Bài 2: Người con dân tộc Mường làm kinh tế giỏi
>> Những “hạt giống đỏ” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Bài 1: Tự hào là đảng viên trẻ
Nghĩ là làm, chàng trai dân tộc Mường quyết định từ bỏ công việc “làm công ăn lương” đơn thuần ở thành phố để trở về quê, bắt tay khởi nghiệp.
Bỏ phố về quê
Anh Trần Văn Thụ (Bí thư Đoàn xã An Phú) chia sẻ: “Là mảnh đất thuần nông nằm ở cuối xã An Phú, thôn Đình có khoảng 40 hộ dân, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mường. Bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Các bạn trẻ đến tuổi trưởng thành đều đi làm ăn xa. Chính vì vậy, có thể nói, anh Bùi Văn Thuyết là gương sáng điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp của xã”.
Bắt tay khởi nghiệp từ năm 2010, nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chàng trai dân tộc Mường đã giúp bố mẹ xây cất được căn nhà khang trang để cuộc sống đỡ vất vả. Anh cũng luôn tích luỹ vốn để sẵn sàng mở rộng mô hình kinh tế khi gặp điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, ít ai biết được, để có thành quả ấy, Thuyết đã phải trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả.
Thuyết tâm sự: “Gia đình mình đông con tới 5 anh, chị, em nhưng chỉ có mình và cô em gái được học hành đến bậc đại học, cao đẳng. Tốt nghiệp, mình cũng đã kiếm một công việc ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, mức lương của sinh viên mới ra trường cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ ở nội đô. Hầu như, mình chẳng dành dụm được gì đáng kể cho tương lai”.
Hằng ngày thường xuyên vào mạng internet để đọc báo, cập nhật tin tức, Thuyết đọc được rất nhiều bài viết về các bạn trẻ làm kinh tế giỏi. “Mình thấy có nhiều bạn làm mô hình VAC rất tốt. Chỉ bằng số vốn ít ỏi nhưng giỏi tính toán, làm ăn, họ có thể thu về số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Họ làm được, tại sao mình lại không?”, Thuyết kể.
Ý nghĩ ấy cứ ám ảnh trong đầu chàng trai trẻ và thôi thúc anh hành động. Thế nhưng, phải khó khăn lắm, Thuyết mới thuyết phục được gia đình đồng ý. Bố mẹ anh khi ấy một mực phản đối. Cũng dễ hiểu, bởi anh là con trai duy nhất trong nhà nhận được sự đầu tư của bố mẹ cho việc học hành những mong con thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. “Người ta mất tiền để lên phố, có ai như con học hành tốn bao nhiêu tiền giờ lại về quê?” – bố mẹ Thuyết nói vậy. Cố gắng thuyết phục bố mẹ bằng sự hợp tình, hợp lý, năm 2010, Thuyết về quê bắt đầu khởi nghiệp.
Gian nan đường khởi nghiệp
Mô hình kinh tế đầu tiên mà Thuyết nghĩ đến khi về quê là nuôi lợn. Trong tay có vỏn vẹn 12 triệu đồng nhưng ý chí của chàng trai trẻ cao ngùn ngụt. Anh mượn chuồng để chăn nuôi và dùng toàn bộ số tiền ít ỏi đang có để mua cám, con giống. Loay hoay với cám bã, lợn, gà, Thuyết vừa làm, vừa lên mạng học hỏi, đăng ký tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, tìm thêm sách báo để đọc. Có những ngày, anh cặm cụi bên chuồng trại để theo dõi diễn biến bệnh tật của đàn vật nuôi, tìm hiểu cách phòng, trị bệnh. Không quản mưa nắng, sớm hôm, chàng tai mày mò khắp nơi để học hỏi những cách làm hay và áp dụng.
Anh Bùi Văn Thuyết (người đứng chính giữa) tham gia Diễn đàn Nhịp cầu nhà nông |
Trời không phụ lòng người có chí, ngay lứa lợn đầu tiên, Thuyết thắng lợi lớn. Thành quả ấy có giá trị như lời khẳng định con đường anh đã chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hào hứng, Thuyết tiếp tục dành số tiền lãi ấy để đầu tư vào con giống và xây dựng chuồng trại.
Theo Thuyết, khó khăn lớn nhất đối với những thanh niên mới lập nghiệp như anh là nguồn vốn. “Mình may mắn đã được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế giải ngân qua Đoàn Thanh niên. Ban đầu, mình được vay 20 triệu đồng. Sau đó, số tiền được nâng lên là 50 triệu đồng. Cũng nhờ nguồn vốn quý giá này, mình mới có điều kiện mở rộng mô hình kinh tế của gia đình”.
Trên diện tích đất canh tác của gia đình, Thuyết chuyển đổi thành mô hình vườn ao chuồng với khoảng 1.500 – 2000 con gà thịt mỗi lứa, xây cất hàng trăm mét vuông chuồng trại cho khoảng 100 con lợn thịt. Xung quanh khu chuồng trại, anh trồng khoảng 500 gốc bưởi Diễn, đào ao nuôi cá.
Hiện nay, mỗi năm, anh cho xuất chuồng từ 2 – 3 lứa lợn, gà. Sau khi trừ tất cả chi phí, từ cây trồng, vật nuôi, Thuyết thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng. Cân nhắc, tính toán các phương án, Thuyết lại tiếp tục dùng số tiền ấy để đầu tư mở rộng sản xuất. Anh cũng thường xuyên tạo việc làm thời vụ của nhân dân địa phương ( 2- 3 nhân công lao động) với mức thu nhập trung bình 170.000 – 200.000 đồng/ngày.
Đảng viên trẻ gương mẫu
Không chỉ tích cực làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội, là một thanh niên trẻ, Bùi Văn Thuyết còn tích cực với các hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền, anh đảm nhiệm vai trò bí thư chi đoàn thôn Đình, góp sức đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi xã An Phú phát triển.
Tuổi còn trẻ với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, năm 2013, anh Thuyết đã vinh dự là người quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát huy vai trò của đảng viên, anh luôn đi tiên phong trong vận động gia đình, người thân, bà con lối xóm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài công tác Đoàn, anh còn tích cực tham gia công tác đoàn thể, hỗ trợ, hướng dẫn các bạn trẻ ở thôn, xã có ý chí làm giàu xây dựng mô hình phát triển kinh tế.
Gia đình anh Thuyết cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, phong trào nông dân giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế…
Nhận xét về anh Bùi Văn Thuyết, Bí thư chi bộ thôn Đình Lê Văn Hải cho biết: “Có thể nói, tấm gương đảng viên trẻ người dân tộc Mường – đồng chí Bùi Văn Thuyết thực sự là điển hình tiêu biểu vừa làm kinh tế giỏi, vừa gương mẫu, tích cực, nhiệt tình trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác Đoàn tại địa phương. Là bí thư chi đoàn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi” của xã, đồng chí Thuyết đã và đang miệt mài góp công sức vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Từ những thành tích đạt được, anh Thuyết đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen là hộ sản xuất điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương, Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi do Huyện đoàn Mỹ Đức, Đoàn xã An Phú trao tặng. Nhiều năm liền, anh được đánh giá là đảng viên, chi ủy viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Chi bộ thôn Đình.
(Còn nữa)