Bài 2: Muôn kiểu xây dựng công khai
TP Thủ Đức “loạn” nhà không phép, sai phép TTTĐ - Xây dựng không phép, sai phép là thực trạng nhức nhối trong công tác quản lý đô thị đã diễn biến kéo dài ... |
“Du di” cho qua?
Theo Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND, ngày 28/12/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thì công trình xây dựng phải có khoảng lùi so với lộ giới như sau: Phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn; Phù hợp với quy hoạch đường giao thông; Tuân thủ chỉ giới đường giao thông đã được phê duyệt tại các quyết định... Theo tiêu chuẩn thiết kế, đối với khoảng lùi trước và sau thì không được lợp mái che…
Quy định là vậy nhưng thực tế lại bị áp dụng khác, khi các khoảng lùi hiện nay trên nhiều tuyến đường lớn tại TP Thủ Đức đều bị biến tướng. Khảo sát dọc theo tuyến đường Lò Lu, thuộc địa bàn phường Trường Thạnh, tất cả phần quy hoạch lộ giới hai bên đường đều được tận dụng lợp mái, vách tole biến thành những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.
Tại đường Trường Lưu, Tam Đa, dọc theo đó là những khu nhà xưởng, nhà kho được xây dựng trên diện tích hàng ngàn mét vuông. Không chỉ một vài cái mà hàng chục công trình như thế, chưa kể số lượng nhà dân dụng được dựng bằng tole. Gom số nhà xưởng tại khu vực này lại chắc không thua gì quy mô một khu công nghiệp vừa. Xung quanh khu vực Tòa án Nhân dân TP Thủ Đức (Quận 9 cũ) cũng có đến hàng chục căn nhà dựng lên bằng tole.
Nhà xưởng Công ty Cổ phần Nanovet Pharma trên đường Trường Lưu, phường Long Trường |
Trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh qua khỏi cầu Xây Dựng, thuộc địa bàn phường Phú Hữu, dễ dàng nhìn thấy hàng loạt những công trình xây dựng lấn chiếm bờ sông, từ nhà hàng lớn đến nhà ở nhỏ. Dọc theo tuyến đường, công trình nửa tường nửa tole nối tiếp nhau, tạm bợ, mất mỹ quan đô thị.
Nhà hàng Ven Sông thuộc phường Phú Hữu |
Hàng loạt công trình nhà tole "khủng" trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu |
Tại đây cũng có rất nhiều công trình xây dựng mới, phía trước được tái lập thành nhà để kinh doanh. Cụm nhà xưởng của Hoa Sen Home được dựng bằng tole to vật vã mà theo ý kiến của một cựu cán bộ cấp phép thì “Theo khoản 2 Điều 95 Luật Xây dựng, muốn được cấp phép dựng nhà xưởng bằng tole thì chủ đầu tư phải lập dự án và phải có quyết định đầu tư.
Việc thực hiện hai công đoạn này rất khó làm nên rất ít ai thực hiện được mà phải "lách luật" bằng cách xin giấy phép khác rồi xây dựng từ từ và thay đổi luôn công năng...”. Cá biệt nhà nghỉ Đ.N ngay mặt tiền đường đã dùng tole tự ý cơi nới, cải tạo sân thượng thành phòng. Sai phạm lộ liễu công khai như vậy còn "du di" thì dựng nhà vách tole có lẽ chỉ là chuyện nhỏ.
Cụm nhà xưởng của Hoa Sen Home được dựng bằng tole ngay mặt tiền |
Cũng trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh này, hết địa bàn phường Phú Hữu là phường Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, thực trạng nhà tole cũng tiếp tục diễn ra dọc theo hai bên đường. Những công trình "to đùng" như các showroom, quán cà phê Bali&Kids, Coffee House... dạng một trệt một lầu, phía trên mái che bạt kéo xuất hiện nhan nhản.
Rất dễ để thấy những phần xây dựng không thuộc dạng được cấp phép dọc theo trục đường chính. Theo đó, phần được cấp phép thì lùi hẳn vào trong, phần dựng nhà kinh doanh thì tràn ra tới mép đường. Theo người dân tại đây cho biết, phần nhà nằm trên phần lộ giới quy hoạch giao thông nhưng vì Nhà nước chưa làm nên mọi người cải tạo kinh doanh. “Làm thế này có được cấp phép không?”, chúng tôi hỏi. Chủ nhà chỉ nhìn rồi bỏ đi.
Quán cà phê Bali&Kids mái bạt cao tầng trên mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc phường Bình Trưng Đông |
Ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, cách UBND phường Bình Trưng Tây khoảng 150m, tại địa chỉ số 222, một công trình nhà vách tole có diện tích vài trăm mét vuông đang được kinh doanh lẩu cua đồng đất cảng. Phía trên nhà được lợp bạt kéo, dưới là mái lá đã cũ. Theo người dân cư trú gần đó thì lớp bạt mới dược dựng lên để mùa mưa không bị dột.
Tra cứu thông tin thì tại khu đất này có cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng không hiểu sao thực tế thì lại như thế?
Quán lẩu cua đồng Đất Cảng, mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, cách UBND phường Bình Trưng Tây khoảng 150m |
Sau lưng quán Lẩu cua đồng Đất Cảng, phía dưới là mái lá, bên trên lợp tole, bạt kéo |
Tại sao lại có thể xây dựng trên lộ giới để làm điểm kinh doanh được? Câu hỏi được nhiều người dân quan tâm, còn câu trả lời chỉ có chủ những công trình trên mới biết cách nào để dựng được như thế.
Theo khảo sát, toàn bộ phần quy hoạch lộ giới dọc theo tuyến đường Nguyễn Duy Trinh giờ đa số biến thành cửa hàng. “Về nguyên tắc, khi được cấp phép xây dựng thì phải trả lại phần quy hoạch lộ giới nên không được dựng lại nhà trên lộ giới”, ông D - cựu cán bộ cấp phép xây dựng quận Thủ Đức cũ, cho biết. Nguyên tắc là vậy nhưng có lẽ chính quyền địa phương “du di” tạo điều kiện cho dân dựng nhà tạm kinh doanh nên cái nguyên tắc đó vô hình chung trở nên không hợp?
Lộ thiên nhưng vì sao không biết?
Trên đoạn đường số 5, cạnh nhà số 20C thuộc khu phố 4, gần đây, xuất hiện quán lẩu chay Thiện Ý, rộng hàng trăm mét vuông với kết cấu công trình cột sắt, mái bạt kéo. Ngay mặt tiền đường Tô Vĩnh Diện, tại số 38, khu phố 5, phường Linh Chiểu, quán ăn TaKao Hot Pot, cà phê MaliBu với kết cấu cột sắt - mái bạt cũng vừa được hoàn thiện đưa vào sử dụng đầu năm 2023.
Quán lẩu chay trên đường Tô Vĩnh Diện, phường Linh Chiểu vừa mới đưa vào hoạt động đầu năm |
Tại số 38 Tô Vĩnh Diện, phường Linh Chiểu, những công trình hoành tráng ra đời nhờ "tuyệt chiêu" sửa chữa |
Trong khi đó, ngay mặt tiền công trình câu lạc bộ bóng bàn Ti Long hoạt động đã lâu tại số 2, đường số 17, khu phố 3 lại đang lắp đặt hệ thống cầu thang máy bên ngoài tòa nhà. Đây là hạng mục buộc phải có giấy phép xây dựng mới được lắp đặt. Cũng ngay trên tuyến đường số 17 có khoảng 10 công trình kết cấu vách tole, mái tole đang được sử dụng làm quán ăn, nhà ở.
Câu lạc bộ bóng bàn Ti Long lắp đặt hệ thống cầu thang máy bên ngoài tòa nhà |
Tại số 16, đường Chương Dương, thuộc khu phố 3, phường Linh Chiểu, cũng vừa xuất hiện quán cà phê ParisPool, với kết cấu cột sắt, mái bạt, mới đưa vào khai thác kinh doanh. “Mấy công trình này có phép gì đâu, lên phường xin sửa chữa là được, không ai nói gì…”, một người dân địa phương nói vậy.
Có một thực tế là không thể đếm hết những công trình bằng tole đang tồn tại trên địa bàn TP Thủ Đức. Hàng loạt công trình khủng, lộ thiên, người dân ai cũng thấy nhưng lực lượng chức năng vì không biết hay vì lý do nào khác nên "khó" xử lý?
Từ khi có Chỉ thị số 23 năm 2019 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhằm chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, bao nhiêu căn nhà không phép, sai phép được hình thành tại các khu dân cư? Những công trình vi phạm cũ thì sao? Câu hỏi chỉ có đáp án đúng khi cơ quan chức năng làm tận tâm theo tinh thần của chỉ thị này.
(Còn nữa)