Bài 2: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài sản công
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Phải làm đến nơi đến chốn |
Quyết liệt lập lại trật tự đô thị trong những ngày đầu năm mới |
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội kiểm tra dự án sử dụng đất sai mục đích của Công ty CP Haprosimex Thăng Long, tháng 4/2021 |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trong nhiều năm qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định lấy kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên hằng năm; Đồng thời tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhằm đẩy mạnh công tác thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, tạo bước đột phá quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 17/3/2021, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.
Chương trình xác định rõ, công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Chương trình số 10-CTr/TU nêu rõ, cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình...
Để đạt được mục tiêu đề ra về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chương trình số 10-CTr/TU xác định sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; Tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để phòng ngừa tham nhũng, lãng phí...
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; Việc mua bán, chuyển nhượng, sử dụng tài sản công...; Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức...
Bám sát nội dung chương trình, cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới cơ sở đã có sự thống nhất, xuyên suốt về ý chí và hành động. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương gương mẫu, quyết liệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện Chương trình 10-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, quận Tây Hồ đã tăng cường kiểm tra những lĩnh vực dễ xảy ra hành vi tham nhũng, như: Quản lý và chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công, đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng…
Quận Tây Hồ cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập; Nghiêm túc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Chủ trương tiết kiệm chi văn phòng phẩm, điện, nước… trong các cơ quan, công sở trên địa bàn cũng được đẩy mạnh.
Thời gian tới, quận tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; Chỉ đạo sâu sát việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã đề ra; Trong đó, tập trung kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như xây dựng cơ bản, đất đai, giải phóng mặt bằng; Thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ… Cùng với đó là xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp vi phạm.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trình tự thủ tục theo quy định.
Đồng thời, Sở nâng chất lượng công tác công tác lựa chọn nhà đầu tư các dự án sử dụng đất; xử lý dứt điểm các nội dung tồn đọng về thu tiền sử dụng đất, về đấu giá quyền sử dụng đất…
Giám sát, xử lý dứt điểm dự án bỏ hoang gây lãng phí
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục là nhiệm vụ được các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đẩy mạnh. Công tác này đã giúp Hà Nội có thêm nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội giám sát hàng loạt dự án "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang, gây lãng phí |
Năm 2020, Hà Nội là địa phương đứng đầu về tiết kiệm ngân sách, so với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2021, các cấp, ngành của thành phố đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm gần 2.700 tỷ đồng từ những khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chi đầu tư phát triển.
Bước sang năm 2022, thành phố đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực. Đặc biệt, thành phố chỉ đạo sát sao việc quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai, bỏ hoang gây lãng phí trên địa bàn.
Mới đây, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý đất đai gắn với cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, xã và người được giao quản lý, cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, xử lý dứt điểm tình trạng các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích; Quản lý chặt chẽ quỹ đất công, đất nông nghiệp, đất rừng, đất ngoài bãi sông, quỹ đất đối ứng BT để thanh toán cho các dự án này thay đổi hình thức đầu tư; Không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật…
Trước đó, ngày 6/1/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-ĐGS giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn TP Hà Nội". Đây là một trong 3 chuyên đề sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giám sát trong năm 2022.
Cụ thể, từ ngày 10 - 30/3, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội sẽ giám sát trực tiếp tại các đơn vị gồm: HĐND; UBND; Các Sở, ngành thuộc thành phố; Một số quận, huyện thị xã; Một số tổ chức chính trị xã hội… Phạm vi giám sát sẽ tập trung ở khu vực công, với các nội dung: Việc thực hành, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công thuộc TP Hà Nội...
Trọng tâm giám sát là lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm...; Quản lý tài sản Nhà nước, tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại nhà, đất công vụ, trụ sở làm việc; Việc quản lý, sử dụng tài sản gắn liền với đất và chuyển đổi quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất...
Việc lập đoàn kiểm tra giám sát lĩnh vực “nóng” được Nhân dân và cử tri quan tâm trong nhiều năm qua, một lần nữa, khẳng định quyết tâm TP Hà trong việc xử lý “vấn nạn” lãng phí nguồn lực đất đai… Người dân Thủ đô kỳ vọng bệnh lãng phí sẽ được trị đến nơi đến chốn trong thời gian tới khi mà cuộc giám sát đang được chuẩn bị, thực hiện bài bản với quyết tâm cao.
(Còn nữa)