Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Phải làm đến nơi đến chốn
Từ ngày 10/3, TP Hà Nội giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Hà Nội tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
Bài 1: Quyết liệt để tạo chuyển biến lớn
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ năm 2013. Cùng với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì đây được coi là “một trong hai mũi giáp công” nhằm đảm bảo nguồn lực của đất nước được sử dụng hiệu quả để phát triển, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”...
Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc tác hại của tệ nạn lãng phí đối với công cuộc xây dựng đất nước: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Bác yêu cầu các tổ chức Đảng, Chính phủ, các đoàn thể chính trị - xã hội và mọi người dân phải ra sức tiết kiệm, đấu tranh chống lãng phí, để cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 |
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng ta xác định cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí là một cuộc đấu tranh phức tạp, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Đảng ta chỉ rõ: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
Theo khoản 2, Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013: “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.
Như vậy, có thể hiểu lãng phí là quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả, thường tập trung vào một số lĩnh vực, như quản lý xây dựng cơ bản, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên, trụ sở làm việc, nhà công vụ; Sử dụng các nguồn thu thường xuyên từ ngân sách Nhà nước, vốn và tài sản Nhà nước không đúng mục đích, lãng phí; Quản lý thời gian, sức lao động, nguồn nhân lực… không hiệu quả.
Để tiết kiệm trở thành quốc sách
Thời gian qua, Thủ tướng ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn cũng như có chương trình hàng năm. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành chương trình cụ thể. Qua đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được những kết quả quan trọng, biểu hiện rõ nhất trong tiết kiệm chi thường xuyên hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khi đề cập nhiệm vụ trọng tâm cũng như định hướng phát triển cũng xác định rõ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ngay trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, điều này một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi yêu cầu thời gian tới kiên quyết chống lãng phí.
Đặc biệt, ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7/2021 đã quyết định giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội bố trí thời gian để nghe trình bày Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ và hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng của công tác này. Quyết tâm của Quốc hội trong công tác giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn cần đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí |
Thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các ý kiến đại biểu Quốc hội chỉ ra, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ lãng phí nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, lãng phí, đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Cử tri, người dân không khỏi xót xa, bức xúc trước nhiều dự án, công trình ngàn tỉ được đầu tư xây dựng từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân nay để hoang hóa, dở dang, kém hiệu quả, thậm chí có dự án 26 năm vẫn nằm trên giấy. Các công trình chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện và hoàn thành dẫn đến gây lãng phí không nhỏ về mặt tài chính, kéo theo làm chậm các công trình, các hoạt động kinh tế - xã hội khác, như vậy gây ra những lãng phí của các ngành, các lĩnh vực có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, các cơ quan, đơn vị…
Một lãng phí không nhỏ khác, đó là lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các doanh nghiệp. Đó là chưa kể tới lãng phí thời gian, ngân sách Nhà nước khi phải trả tiền lương cho một số đội ngũ cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’’, lãng phí trong việc sử dụng con người, sử dụng cán bộ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Lãng phí nhiều khi còn lớn hơn cả thất thoát, tham nhũng |
Ngày 24/7/2021, thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, bởi “chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội sau khi tiến hành rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn toàn thành phố đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá giai đoạn vừa qua. Năm 2020, Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước.
Về đất nông nghiệp, có những tỉnh thực hiện rất tốt như Sơn La là một tỉnh miền núi phía Bắc nhưng nhờ sử dụng triệt để đất đai, hấp dẫn được người dân tham gia sản xuất đã trở thành trung tâm trái cây của cả nước với nhiều sản phẩm cạnh tranh với đặc sản của nhiều địa phương khác. Tuy nhiên những địa phương làm được như vậy chưa nhiều.
Thực tế, giá trị gia tăng từ đất nông nghiệp hiện ở nhiều nơi còn thấp, tình trạng sử dụng trái phép đất nông nghiệp, lãng phí đất nông nghiệp vẫn còn phổ biến. Cùng với đó, tình trạng đất nông lâm trường bàn giao cho địa phương nhưng chưa được thống kê và chưa có kế hoạch sử dụng còn lớn trong khi đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thiếu đất ở, đất sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng vấn đề tiết kiệm đã được thể chế bằng nhiều quy phạm pháp luật nhưng thực tế vẫn xảy ra lãng phí nhiều đặt ra yêu cầu phải có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn. “Tôi nghĩ chỗ này chúng ta vừa phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật kỷ cương thì chúng ta mới có thể làm được tiết kiệm này một cách hiệu quả hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, mỗi cơ quan, đơn vị cần phải tăng cường tuyên truyền và đặc biệt là công tác giáo dục về ý thức, về trách nhiệm trong việc là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
(Còn nữa)