Bài 2: Cái đẹp sẽ cảm hóa điều xấu
Chiếc loa phường- hình ảnh rất đỗi thân quen với người dân Thủ đô
Bài liên quan
Bài 1: Hợp lòng dân, trúng mong muốn nhiều người
Lối sống vì cộng đồng
Bà Doan kể, trước đó tại nơi mình sinh sống đôi khi vẫn xảy ra xích mích giữa những người hàng xóm bởi những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Chẳng hạn, dưới mỗi tòa nhà có những khoảng sân chơi và ghế đá dành cho người đi bộ nhưng cánh thanh niên chăng lưới ngăn sân để đá cầu hoặc đánh cầu lông khiến mỗi khi đi qua bà và các cháu nhỏ phải khép nép dạt sang một bên.
Đồng ý đó là sân chơi chung, ai cũng có quyền sử dụng nhưng lợi ích một nhóm người không thể so với cả khu dân cư được. Họ đá cầu vào đúng lúc người đi làm, đi học về hoặc những lúc mát trời các cháu nhỏ xuống dạo chơi nên chẳng ai được thoải mái cả. Phải nhường khoảng sân đã đành, mọi người còn phải đi ven ra rìa, rồi phải ngó nghiêng cẩn thận không chẳng may họ mải đá cầu, đánh cầu va vào.
Bà Doan và các ông bà già đã góp ý nhiều lần nhưng họ không chịu nghe, còn tỏ thái độ làu bàu, cáu bẳn. Thành ra có những chiều các ông bà già và các cháu nhỏ vừa phải đi tìm chỗ khác chơi, vừa phải ấm ức bực mình.
Đến khi, sân chơi cắm biển quy tắc ứng xử nơi công cộng, loa phường mỗi hôm trích đọc một vài điều đúng tầm họ ra đá cầu thì kết quả thật đáng mừng. Những thanh niên lực lưỡng kia tự tìm chỗ nào vắng, bớt cản trở người qua lại để luyện tập.
Chị Lan ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng rất tâm đắc với bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng bởi nó mang đến những chuyển biến tích cực với ý thức của người dân. Chỗ chị sinh sống có rất nhiều sinh viên và người đi làm thuê trọ. Việc ở thuê khiến các bạn trẻ nhiều khi buông tuồng, thiếu quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng mà chỉ biết thuận tiện cho mình.
Cả xóm có quy định giờ đổ rác nhưng vì lịch sinh hoạt thất thường, nhiều khi xe thu gom vừa đi qua thì một đống rác đã lù lù ngay đầu xóm vì lúc ấy các bạn đi chơi tiện mang ra vứt hoặc mới ăn cơm, dọn dẹp xong. Việc giữ gìn vệ sinh ngõ xóm cũng vô cùng khó khăn bởi tiện ai người nấy vứt, quét rác ra đường.
Trong khi đó, nhà ở san sát nhau, các bạn trẻ lại ngủ muộn, thường xuyên mở nhạc to khiến mọi người bị ảnh hưởng, nhất là người già và trẻ nhỏ không ngủ nổi. Chị Lan đã rất nhiều lần nhắc nhở các em đi về muộn nên tắt máy từ xa, mở khẽ cửa thôi. Vậy mà cứ nửa đêm tiếng xe máy gầm lên, đèn chiếu chói lòa vào tận giường nhà chị; rồi tiếng lạch cạch chìa khóa, tiếng rút then, cửa sắt va vào tường rầm rầm khiến con chị giật nảy mình. Sáng sớm, tiếng nổ máy xe chục lần không được, tiếng rú ga ầm ĩ và khói xăng đen kịt… khiến những nhà xung quanh phát điên.
May sao bác tổ trưởng tổ dân phố tích cực đến từng nhà tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng, cùng với việc nhiều nhà trong xóm góp ý với chủ nhà, tình trạng đó đã cải thiện rõ rệt. Chị Lan cho biết hiện tượng đầu mẩu thuốc lá vứt bừa bãi, đôi lúc tiếng cười nói hay bật nhạc trong đêm vẫn còn nhưng nhìn chung cuộc sống đã dễ thở hơn rất nhiều.
Những lợi ích bất ngờ
Anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) không ngờ rằng bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng lại có những tác dụng, lợi ích mà bản thân không thể nghĩ là tốt đẹp đến mức như thế. Là người lao động tự do, anh Hùng nhiều khi tụ tập về khuya sau đó uống quá chén. Những lúc như thế, anh không kiểm soát được mình. Có lúc thì anh mở đài hết công suất suốt đêm, lúc anh lại đập phá đồ đạc. Nhiều khi, anh còn đánh vợ chửi con. Hàng xóm can ngăn cũng là lúc hơi men đã hả. Anh cũng ý thức được việc làm sai trái của mình nhưng vẫn gân cổ lên cãi rằng đây là việc riêng của gia đình, không ai được phép can thiệp. Nhiều người dọa báo công an vì gây mất trật tự ở khu dân cư nhưng vì nể, vì thương chị Hợi vợ anh, nên lại thôi.
Khi loa phường phát đi bản tin về quy tắc ứng xử nơi công cộng, anh nghe bập bõm không chú ý lắm. Đến lúc nhà văn hóa của khu có biển treo, những lúc rảnh rỗi anh tò mò đọc thử. Toàn những điều dễ hiểu, dễ làm theo, anh ngẫm nghĩ và thấy rằng mình thực sự đã sai.
Từ đó, anh cố gắng kiềm chế bản thân, hạn chế uống rượu và gây rối. Một thời gian sau, bỗng dưng anh thấy mọi người trong xóm nhìn mình với ánh mắt khác. Thay vì tránh xa, giả vờ quay mặt đi, nay họ chào hỏi anh niềm nở. Có khi buổi sáng anh đi qua nhà nào đó còn được mời vào uống trà, nói chuyện phiếm.
Điều khiến anh hạnh phúc hơn cả là gia đình đầm ấm, hạnh phúc hơn. Hai đứa con anh lúc nào cũng muốn gần gũi bố, không còn nen nét sợ bị đánh. Vợ anh cũng nhẹ nhàng chứ không gắt gỏng khiến anh khó chịu như trước. Nhận ra điều đó, anh suy nghĩ cần phải trân trọng cuộc sống của những người thân thiết, của hàng xóm mình.
Hơn thế nữa, không sa đà vào rượu chè, anh nghĩ ra đủ việc để làm, thu nhập khá hơn, đời sống gia đình được cải thiện. Anh Hùng thấy mình như được đổi đời.
Như vậy, ứng xử có văn hóa nơi công cộng không phải chỉ là ích lợi cho cả cộng đồng mà còn mang đến những điều tốt đẹp cho những cá nhân đó. Nói cách khác, “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Mình đối xử với mọi người như thế nào thì chính là đang soi vào tấm gương và sẽ nhận về hình ảnh phản chiếu của mình trong đó.
Nếu ai cũng chăm chỉ giữ gìn, mong điều tốt đẹp cho cộng đồng thì cả cộng đồng được đẹp lên và bản thân họ cũng đẹp trong mắt mọi người. Còn những người làm việc xấu, tất nhiên cả cộng đồng sẽ không xấu lại với họ. Họ sẽ phải sống trong một môi trường bẩn, ô nhiễm tiếng ồn, thiếu văn hóa và những hệ lụy do chính họ gây nên. Bản thân những người đó cũng sẽ trở nên lạc lõng với những người xung quanh.
Cái đẹp sẽ cảm hóa cái xấu và làm cho xung quanh tốt lên. Đó là điều mà bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói riêng và hai bộ Quy tắc ứng xử nói chung của Thành phố ban hành hướng tới. Điều quan trọng nhất mà hai bộ Quy tắc ứng xử này làm được đó là thay đổi người dân về nhận thức. Từ nhận thức sẽ quyết định ý thức, hành vi để mọi hành động, lời ăn tiếng nói, cách đi đứng, cách đối xử với mọi người thận trọng, văn hóa hơn.
Thực tế cho thấy, hai bộ Quy tắc ứng xử đã làm tốt vai trò hướng người dân Hà Nội về tương lai tốt đẹp đúng đường. Đó là con đường của văn minh, của thanh lịch mà cha ông đã in hằn lối cả ngàn năm nay và chúng ta có trách nhiệm vun đắp, kéo dài vững bền cho con cháu mai sau. Bằng mỗi việc làm, hành động cụ thể, mỗi người dân Hà Nội hãy giúp con đường sáng ấy ngày càng sáng hơn để chúng ta được tự hào và không hổ thẹn với người đi trước.
(Còn nữa)