Bài 1: Sa Ná, nỗi đau hằn sâu trong kí ức
Đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai do đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau trận lũ lịch sử hồi tháng 8/2019 tại bản Sa Ná
Bài liên quan
Mang Tết về với bà con nhân dân bản Sa Ná
Giây phút bàng hoàng
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi cùng đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến thăm hỏi bà con nhân dân bản Sa Ná, thuộc xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa). Trải qua con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, từ trung tâm huyện lỵ vào bản Sa Ná, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì cảnh vật và con người nơi đây như được khoác trên mình "tấm áo" mới.
Nơi đây không còn cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn những căn nhà tạm ở ven bờ sông mà thay vào đó là những dãy nhà khang trang, sạch đẹp, những bức tường vẫn còn thơm mùi sơn mới. Nhìn bà con dân bản cười vui, chuyện trò rộn rã chúng tôi cảm nhận thấy rõ nơi đây đã bắt đầu một cuộc sống mới. Mặc dù còn đó những đau thương, mất mát nhưng ai cũng gắng hết sức mình để xây đắp tương lai.
Bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa) bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ lịch sử hồi tháng 8 năm ngoái |
Chúng tôi đến thăm nhà anh Vi Văn Linh (41 tuổi, người dân tộc Thái, bản Sa Ná) đúng lúc vợ chồng anh vừa đi làm về, nhìn căn nhà mới của anh ở khu tái định cư được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, chúng tôi hiểu rằng gia đình anh đã dần quen với cuộc sống mới. Tuy nhiên, trên gương mặt vợ chồng anh Linh vẫn thoảng chút buồn. Có lẽ, anh chị vẫn chưa thể quên được cái ngày định mệnh của dân bản cách đây nửa năm về trước.
Nhớ lại ngày đó, anh Vi Văn Linh ngậm ngùi chia sẻ: Từ xưa đến nay, vùng cao biên giới Quan Sơn cũng thường xuyên xảy ra mưa lũ. Tuy nhiên chưa năm nào có trận lũ lớn như hồi tháng 8 năm ngoái. Tôi vẫn nhớ như in cái hôm đó là ngày 3/8, nhận được thông tin có khả năng xảy ra mưa bão, người dân chúng tôi đã lên phương án sơ tán đến nơi an toàn. Gia đình tôi có 6 người, ông bà già, hai vợ chồng tôi và hai cháu nhỏ. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình tôi đã sơ tán ông bà già và hai cháu nhỏ đến vùng an toàn trước. Hai vợ chồng tôi cố nán lại để thu gom đồ đạc và quan sát tình hình mưa lũ nên chưa kịp đi.
Ngay từ đêm hôm trước (2/8), khu vực bản Sa Ná đã có mưa rất to, nước dưới sông bắt đầu dâng lên. Đến khoảng 5h sáng ngày 3/8, tôi dậy xem mức nước dưới sông như nào nhưng khi đó mực nước cũng chỉ cao như mọi năm, chưa có dấu hiệu gì bất thường. Khoảng 7h sáng cùng ngày, nước lũ bất ngờ dâng cao, tạo dòng chảy xiết. Thấy vậy, vợ chồng tôi đã hô hào những người dân xung quanh chạy lên phía cao hơn.
Anh Vi Văn Linh (41 tuổi, người dân tộc Thái, bản Sa Ná) kể lại câu chuyện của gia đình mình trong cơn lũ dữ |
“Lúc đó tôi thấy nước sông Luồng lên nhanh lắm, đục ngầu. Những khúc gỗ, gốc cây to lao nhanh trên sông, đổ vào bản cuốn sập nhà cửa. Tôi chỉ kịp hô hoán người dân chạy lên đồi tránh lũ, còn nhiều người không kịp chạy lũ đã bị nước cuốn đi", anh Linh bùi ngùi nhớ lại.
Chia sẻ về những mất mát sau trận lũ lịch sử hồi tháng 8 năm ngoái, anh Linh cho biết: Nhà tôi may mắn là các thành viên đều bình an, tuy nhiên công sức làm lụng vất vả bao nhiêu năm đều bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Tổng thiệt hại của gia đình tôi khoảng hơn 1 tỷ đồng, bao gồm nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất... Không biết đến khi nào gia đình tôi mới có thể khôi phục lại được kinh tế như xưa.
“Công sức bao năm đều đổ sông, đổ bể...”
Đó là lời tâm sự của bà Vi Thị Hiên (55 tuổi, người dân tộc Thái, bản Sa Ná) mỗi khi có ai đó hỏi về trận lũ lịch sử hồi tháng 8 năm ngoái. Theo bà Hiên, mặc dù có sự chuẩn bị từ trước, được thông báo về tình hình thời tiết nhưng mưa lũ về quá nhanh, quá tàn khốc nên những hộ dân sống hai bên bờ sông bị nước lũ cuốn trôi hết, gia đình bà Hiên là một trong số những gia đình bị biệt hại nặng nề nhất ở bản Sa Ná.
Nhìn đôi mắt ngân ngấn nước như trực trào, phải mất đến vài phút bà Hiên mới bình tĩnh để trò chuyện với chúng tôi. Bà kể: Gia đình tôi có sáu người con nhưng tất cả đều lập gia đình và sống riêng nên chỉ còn hai vợ chồng tôi sống cùng nhau dưới một mái nhà.
Mẹ con bà Vi Thị Hiên (55 tuổi, người dân tộc Thái, bản Sa Ná) vẫn chưa nguôi ngoai về những thiệt hại, mất mát do trận lũ đem lại |
“Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng đều không có công việc ổn định nên chúng tôi cố gắng vay mượn và dùng hết số tiền dành dụm được để đấu thầu hai cái ao thả cá, do đặc tính sinh trưởng của loại cá này nên phải hơn một năm mới cho thu hoạch. Chúng tôi dự tính chăm đàn cá đến gần Tết mới đánh bắt để đem bán nhưng không ngờ gần đến ngày thu lại bị mất trắng, công sức làm lụng vất vả cả năm trời đều đổ xuống sông, xuống bể.
Như thường lệ, hôm nào vợ chồng tôi cũng dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cơm nước rồi vào ruộng (cách nhà khoảng 5km) cắt cỏ về nuôi cá. Hôm đó, chúng tôi vừa ra đến ruộng thì nước lũ về, hai vợ chồng già phải lấy hết sức để chạy đua với dòng nước lũ. Khi đó chúng tôi chỉ biết chạy chứ trong đầu không nghĩ được điều gì khác. Chỉ đến khi lên đến vùng cao hơn, an toàn hơn, tôi mới ngồi lại nhìn dòng nước cuốn trôi bao nhà cửa, trâu bò, lợn gà mà nước mắt cứ thế tuôn rơi. Sau mấy ngày ở trên khu sơ tán chờ nước rút, đến khi trở về nhà chỉ còn là bãi đất trống, ngổn ngang cành cây, rác thải tôi bần thần như người mất hồn”, bà Hiên ngậm ngùi kể lại.
Ước tính, gia đình bà Hiên bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, trong đó bao gồm nhà cửa, ruộng vườn, riêng ao cá của gia đình bà có giá trị khoảng hơn 200 triệu đồng.
Các ban, ngành chức năng của Trung ương và địa phương đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại bản Sa Ná hồi tháng 8/2019 |
Nói về những thiệt hại của người dân bản Sa Ná sau trận lũ lịch sử, bà Hà Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Do hoàn lưu bão số 3, trong ngày 2-3/8/2019, trên địa bàn huyện Quan Sơn đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây ra lũ quét và sạt lở đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đặc biệt, tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, mưa lũ, sạt lở đất đã làm 10 người chết, 5 người bị thương và 6 người còn mất tích. Mưa lũ cũng làm cuốn trôi 30 ngôi nhà, làm sập hoàn toàn 14 ngôi nhà, hậu quả do mưa lũ để lại là rất nặng nề.
Sau trận lũ, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung huy động nhiều nguồn lực xây dựng khu tái định cư rộng 5,2 ha ở phía trên đồi, cách bản cũ chừng 0,8 km và từng bước ổn định cuộc sống người dân. Đến nay, sau hơn nửa năm xảy ra trận lũ lịch sử, mặc dù còn đó những đau thương, mất mát nhưng với lòng tin vào cuộc sống, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành cùng đồng bào cả nước, những người dân nơi đây đã gượng dậy, khôi phục lại kinh tế, tái thiết cuộc sống.
(Còn nữa)