Bài 1: Huyền tích về ngôi đền hai vị nữ Vương xây dựng trên “lưng con voi trắng”
Giới trẻ hào hứng "check-in" tại đền Hai Bà Trưng Du khách thực hiện 5K, tấp nập tới chùa Hương trong ngày đầu mở cửa |
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh...
Năm 2015, trong sự kiện kỷ niệm 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng có bài phát biểu nêu bật công lao của hai vị nữ vương.
“Hai Bà Trưng - những người con gái Lạc tướng đất Mê Linh và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40 - 43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam; In đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần ba năm nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của Nhân dân ta; Là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta”, bài phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Nhị vị nữ Vương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, dựng nền độc lập cho dân tộc từ năm 40-43 sau Công nguyên |
Theo truyền thuyết dân gian và thần tích tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Hát Môn và một số di tích thờ Hai Bà trên cả nước, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị được nuôi dạy trong tinh thần yêu nước; Được dạy binh thư võ nghệ, rất can đảm, dũng lược. Lớn lên, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách - con trai Lạc tướng huyện Chu Diên.
Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, Nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực, sục sôi ý chí nổi dậy chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc.
Thái thú Tô Định biết được ý định chuẩn bị khởi nghĩa của Thi Sách và Trưng Trắc đã lập mưu kế hãm hại Thi Sách nhằm lung lạc ý chí của bà và tinh thần đấu tranh của Nhân dân ta. Tuy nhiên, hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại càng làm cho bà thêm quyết tâm khởi nghĩa "Đền nợ nước, trả thù nhà".
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kỷ niệm 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng |
Năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, Nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong ngày xuất quân, "cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng nam lẫm liệt, tướng nữ lạnh lùng". Nghĩa quân khí thế sục sôi với lời thề: "Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".
Cuộc khởi nghĩa được Nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và đội quân nhà Hán tan vỡ đến đó.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán.
Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, bà Trưng Trắc được tướng sĩ và Nhân dân suy tôn lên ngôi Vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. "Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta".
Sống trên lưng voi, thác trên lưng voi
Dù đã kiến tạo được cơ đồ vẻ vang, vương triều do Hai Bà Trưng dựng nên đã không thể đứng vững được trước sự bạo tàn của quân xâm lược. Nhằm ngày mùng Tám tháng 3 năm Quý Mão, tức năm 44 sau Công nguyên, Hai Bà trầm mình xuống sông Hát khi mới 29 tuổi, để lại muôn vàn ngợi ca về cuộc đời oanh liệt và bi tráng có một không hai trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tổng thể, đền Hai Bà Trưng tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng giữa cánh đồng, nhìn ra đê sông Hồng. Theo thuyết phong thủy, khu đất này có hình dáng giống như một con voi trắng đang uống nước, tức là “bạch tượng yển hồ”. Ngay trong sân đền, không biết từ bao giờ tồn tại một hồ nước đầy ăm ắp, bờ hồ cong mềm mại, được gọi là hồ Mắt Voi.
Sau khi Hai Bà mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng, Nhân dân nhiều địa phương nước ta đã lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh. Trong đó, đền thờ Hai Bà tại quê hương là thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, được xây dựng trên vùng đất linh thiêng đắc địa, ngay chính nơi Hai Bà sinh ra, lớn lên, tế cờ khởi nghĩa, giành thắng lợi, xưng Vương và định đô. Ngày nay, dấu tích của tòa thành Mê Linh khi xưa vẫn có thể được nhìn thấy ở khu vực phía sau cung cấm, nơi hàng tre tồn tại từ bao đời.
Ban đầu, ngôi đền được dựng bằng tre, lá. Đến triều Đinh (năm 968 - 980), đền được xây lại bằng gạch và lợp ngói. Đền Hai Bà đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1881 - 1889, đền được trùng tu lớn và đổi hướng lại ban đầu như hướng ngày nay.
Dấu tích thành cổ Mê Linh, vị trí phía sau hậu cung của đền Hai Bà Trưng |
Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, có ý nghĩa lịch sử và tâm linh sâu sắc. Ngày 9/12/2013, khu di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau đợt đại trùng tu, ngôi đền có quy mô thuộc hàng đầu trong số các di tích của cả nước, xứng đáng với công lao vĩ đại của Hai Bà Trưng đối với dân tộc Việt Nam. Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay với không gian bảo tồn cùng diện tích chuyên biệt xấp xỉ 13ha được chia thành 2 khu: Nội vi và ngoại vi.
Linh thiêng hơn cả là khu nội vi với diện tích hơn 4ha dành cho phần lễ. Nơi đây gồm có 5 ngôi đền thờ cùng các di tích và công trình cảnh quan phụ trợ. Ngôi đền chính tam tòa chính điện ở giữa thờ Hai Bà Trưng; Bên tả là đền thờ ông Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc và thân phụ mẫu ông Thi Sách và đền thờ các Nam tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Bên hữu là đền thờ thân phụ mẫu, sư phụ mẫu của Hai Bà và đền thờ các Nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Những chú voi đá chầu bên ngoài đền Hai Bà Trưng |
Khi còn sinh thời, hình ảnh Hai Bà cưỡi voi ra trận khiến quân giặc khiếp vía. Lúc thác về, Hai Bà vẫn ngự trên lưng con voi trắng như một sự bảo vệ, phù trợ cho đất nước. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã kết thúc bài phát biểu của mình nhân kỷ niệm 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng rằng: “Hai Bà Trưng mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ dân tộc ta luôn vững bước tiến lên”.
(Còn nữa)
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ bài phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Truong Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Sách “Truyền thuyết Hai Bà Trưng” do Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc xuất bản năm 1973; Tài liệu của Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng huyện Mê Linh, Hà Nội).