Bài 1: "Hé lộ" phương án Nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT "lựa chọn" tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn
Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm hai hợp phần: Hợp phần xây dựng đường cao tốc dài 64 km và hợp phần tăng cường nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn từ Km1+800 - Km 112+038,84 dài 110 Km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.188 tỷ đồng.
Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là nhà đầu tư đang thực hiện dự án làm tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn |
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, dự án rơi vào tình trạng bế tắc, chậm tiến độ do nhà đầu tư chưa vay thêm được tiền từ ngân hàng.
Trước đó, vào đầu năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư cũ và Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là nhà đầu tư đang thực hiện dự án.
Hiện tại, hợp phần cải tạo, nâng cấp QL1 (tuyến đường này Chính phủ bỏ tiền ra làm, nhà đầu tư chỉ cải tạo lại) đã hoàn thành và thu phí từ ngày 1/6/2018 với mức giá thấp nhất là 35.000 đồng/lượt và cao nhất là 180.000 đồng.
Hợp phần cải tạo, nâng cấp QL1 đã hoàn thành và thu phí từ ngày 1/6/2018 với mức giá thấp nhất là 35.000 đồng/lượt và cao nhất là 180.000 đồng. |
Lật lại quá trình mà doanh nghiệp này "bước chân" vào làm dự án, theo tìm hiểu của PV, ngày 18/11/2017 ông Trần Phúc Tự - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (BG - LS) ký văn bản số 229/2017/CV-BOTBGLS gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xử lý vướng mắc của dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và phương án bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối vào dự án.
Thời điểm đó, hợp phần QL1 đã cơ bản hoàn thành, hợp phần cao tốc nhận mặt bằng và thi công được 44/64Km, khối lượng đạt khoảng 20% tổng giá trị đã giải ngân là 2.797 tỷ đồng/11.575 tỷ đồng (đạt 24,2%).
Đoạn đường cao tốc thi công tại TP Bắc Giang |
Theo nội dung văn bản, trong quá trình thực hiện thì dự án gặp một số khó khăn vướng mắc làm phá vỡ phương án tài chính (PATC) do các nguyên nhân chính như đặt 02 trạm thu phí trên QL1 trong phạm vi dự án dài 110km dẫn đến nguy cơ xung đột với người dân khi triển khai thu phí; việc chậm triển khai không hoàn thành đoạn kết nối còn lại Hữu Nghị - Chi Lăng theo kế hoạch 2019 làm ảnh hưởng lưu lượng xe tính toán do việc khai thác không đồng bộ tuyến cao tốc hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc). Do đó, doanh nghiệp này đã đưa ra 03 phương án có bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức BOT với nội dung như sau:
Văn bản Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn gửi Bộ Giao thông Vận tải về xử lý vướng mắc của dự án |
Phương án 1: Giữ nguyên theo thông số PATC của hợp đồng BOT, đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành đúng tiến độ năm 2019, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng triển khai 2018, hoàn thành 2020. Vốn chủ sở hữu (VCSH) là 10,81% và lợi nhuận VCSH đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn giữ nguyên như hợp đồng là 11,5%/năm. Nhà đầu tư đánh giá thời gian hoàn vốn trên 31 năm, dòng tiền mất cân đối trả nợ. Về mặt xã hội thì dự án có nguy cơ gặp phản ứng của người dân khi thu phí 2 trạm trên cung đường 110Km và hiện tại không được sự thống nhất của địa phương.
Phương án 2: Thay đổi vài thông số đầu vào so với hợp đồng dự án, trong đó mức phí của toàn đoạn cao tốc là 1.800/PCU/Km, lộ trình tăng phí là 12%/3năm. Phương án này trong trường hợp không có hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước thời gian hoàn vốn là 27 năm. Nhà đầu tư đề nghị nhà nước hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn đầu tư là 1.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương hỗ trợ GPMB dự kiến khoảng 535 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT chọn phương án ấn định mà đơn vị này đưa ra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
Phương án 3: Sẽ bỏ 1 trạm thu phí Km24+800 trên QL1 mà chỉ thu phí 1 trạm ở đoạn Km93+160, thời điểm thu phí từ 2018, mức giá vé giữ nguyên theo PATC trong hợp đồng BOT. Mức giá vé từ năm 2020 điều chỉnh cho 5 loại xe thấp nhất là 52.000 đồng và cao nhất là 200.000 nghìn đồng/lượt. Ngoài ra, sau khi tính toán thì cần chiết giảm chi phí dự phòng của đoạn QL1 và Bắc Giang - Lạng Sơn khoảng 600 tỷ đồng để điều chuyển hỗ trợ cho đầu tư kết nối đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng. Với phương án này thì thời gian hoàn vốn là 23 năm, mức phí đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là 2.100đồng/PCU/Km, lộ trình tăng phí là 12%/3năm.
Nhiều nhà xe bức xúc vì bị thu phí đoạn qua huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn |
Từ các tính toán nêu trêu, doanh nghiệp này đã "cầm tay chỉ việc" đề nghị Bộ GTVT chọn phương án 3 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hiệu quả tổng thể dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, hoàn thành đồng bộ khai thác tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh năm 2020 theo quy hoạch được duyệt.
Doanh nghiệp nêu ra lý do như: Bỏ được 1 trạm thu phí trên QL1 tại Km24+900 theo Dự án đã được phê duyệt để tránh xung đột, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và nhà đầu tư; Tập trung tối đa nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước đẩy nhanh tiến độ thi công để giảm khoảng 600 tỷ đồng do giảm chi phí trượt giá; Sử dụng nguồn chiết giảm trên của đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn ứng ra trước để thực hiện ngày việc GPMB.
Tuy nhiên, doanh nghiệp lo lắng phương án này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi các phương tiện lựa chọn lưu thông trên QL1 mà không đi qua cao tốc do việc chỉ sử dụng 1 trạm và có sự chênh lệch giá sử dụng dịch vụ cần sự hỗ trợ của địa phương và Bộ GTVT.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thi công và chất lượng công trình chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế. |
Trước đó, qua việc kiểm tra hiện trường dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại trong thi công và chất lượng công trình chưa đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thiết kế.
Đối với hạng mục nền, mặt đường, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước cũng chỉ ra các tồn tại ở một số vị trí bê tông rãnh không đảm bảo độ bằng phẳng và bị rỗ nhiều; nền đất tại vị trí sát rãnh không được đầm lèn chặt; bề mặt mái ta luy dương tại nhiều vị trí trên tuyến chưa được tạo phẳng nhưng nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện gia cố mái ta luy là chưa tuân thủ quy định.
Theo báo cáo kết quả kiểm định chất lượng, tại một số vị trí trên tuyến lớp bê tông nhựa không đạt yêu cầu về chỉ tiêu độ rỗng dư tại Km63+650, Kml06+640, Km67+320; độ chặt tại Km106+640 và thành phần hạt thoi dẹt.
Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.