Bắc Giang: Sức hấp dẫn của một vùng danh thắng
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản Chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang Bắc Giang: Lan tỏa thương hiệu bánh chưng Vân ở huyện Hiệp Hòa |
Tỉnh Bắc Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là lợi thế lớn để phát triển du lịch |
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có gợi ý về những điểm du lịch tuyệt vời của Bắc Giang để người dân du xuân vãn cảnh dịp Tết cũng như cách thức Bắc Giang thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm.
Theo đồng chí Lê Ánh Dương, thuộc vùng đất Kinh Bắc cổ, Bắc Giang có những nét đẹp văn hóa riêng, độc đáo, đến nay còn gìn giữ được như 500 lễ hội dân gian truyền thống và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ, phong phú, gồm trên 2.100 di tích các loại từ thời Lý, Trần. Xuân này, du khách có thể khám phá hệ thống đình, chùa, đền, từ đường, lăng mộ cổ, điển hình là chùa Vĩnh Nghiêm cùng hệ thống di tích dọc theo con đường Hoằng dương Phật pháp của các Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, chùa Bổ Đà. Di sản tư liệu của thế giới - Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng rất đáng được khám phá.
Nếu muốn hòa vào với thiên nhiên, du khách có thể tới khu bảo tồn thiên nhiên Yên Tử trên 15.000ha rừng nguyên sinh, cùng với các hồ: Cấm Sơn, Khuôn Thần, Khe Chão, Suối Mỡ, Khe Rỗ. Ở đây có nhiều thác nước được bảo vệ nguyên trạng, cảnh quan đẹp, hệ động thực vật vô cùng phong phú, rất phù hợp để khám phá, trải nghiệm.
Tây Yên Tử - vùng đất linh thiêng, nơi phát triển rực rỡ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử |
Về Bắc Giang dịp Tết, bạn cũng có thể ghé làng cổ Thổ Hà, làng mây tre đan Tăng Tiến ở huyện Việt Yên; Khám phá các đặc sản nức tiếng như: Chè kho Mỹ Độ, bún Đa Mai, mỳ Chũ, nem Thổ Hà, bánh đa Kế, rượu Làng Vân, cua da Yên Dũng, tương Trí Yên...
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những năm qua, Bắc Giang đang tập trung phát triển 4 loại hình du lịch như: Du lịch lịch sử - văn hóa; Du lịch văn hóa - tâm linh; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi nghỉ dưỡng. Bắc Giang có hơn 700 di tích lịch sử, trong đó 5 di tích quốc gia đặc biệt, trên 100 di tích quốc gia cùng các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ (với 18 làng quan họ cổ), ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số… để du khách đến khám phá.
Không những thế, Bắc Giang còn là vùng cây ăn quả lớn của cả nước. Đặc biệt tập trung ở huyện Lục Ngạn, hoa trái bốn mùa, quanh năm; tiêu biểu là vải thiều và trái cây có múi. Từ năm 2016 đến nay, lễ hội cam, bưởi và các sản phẩm nông nghiệp của huyện Lục Ngạn được tổ chức thường niên, thu hút rất đông du khách. Đây là điều kiện để Bắc Giang phát triển loại hình du lịch sinh thái, vui chơi, nghỉ dưỡng.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang |
“Chúng tôi xác định, muốn phát triển du lịch, ngoài tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa thì yếu tố rất quan trọng là hạ tầng du lịch. Vì vậy, trong 5 năm qua, hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch được đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm”, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.
Về giao thông, Bắc Giang đã thi công hoàn thiện đường ĐT293 (đường Tây Yên Tử), triển khai thi công dự án đường vành đai IV và các tuyến đường kết nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Xây dựng một số cầu mới qua Sông Thương (cầu Đồng Sơn, cầu Bến Hướng), Sông Cầu (cầu Mai Đình - Đông Xuyên, cầu Yên Dũng - Quế Võ), cầu vượt đường cao tốc, quốc lộ…; Làm mới, cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên huyện, liên xã. Tất cả các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều được làm mới hoặc nâng cấp, cải tạo thuận lợi cho việc di lại của du khách.
Tỉnh cũng đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà thi đấu hiện đại, tổ chức được nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế; Đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa để quy hoạch, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, văn hóa; Xây dựng các khu vui chơi giải trí, như Công viên Hoàng Hoa Thám tại thành phố Bắc Giang…
Tỉnh Bắc Giang xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ |
Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư được một số dự án như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, sân golf dịch vụ Yên Dũng; Các khách sạn Mường Thanh, Ravatel, Sojo, tổ hợp khách sạn Apec - Aquapak... với quy mô trên 1.000 phòng và một số dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 36.000 tỷ đồng. Ngoài sân golf Yên Dũng đang hoạt động, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai xây dựng thêm 2 sân golf nữa tại huyện Việt Yên và huyện Lục Nam nhằm phát triển ngành du lịch golf.
Bắc Giang đã thực hiện công tác quảng bá hình ảnh văn hóa, thiên nhiên, con người tới bạn bè trong nước và quốc tế qua nhiều kênh quảng bá như: Qua các cơ quan báo chí uy tín trong nước (TTXVN, VTV, VTC, VOV, THND, báo Du lịch, tạp chí Hàng không Việt Nam…), qua mạng xã hội, qua các cơ quan truyền thông của các địa phương.
Tỉnh Bắc Giang tham gia ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc |
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm việc quảng bá thông qua các sự kiện ngoại giao, văn hóa, xúc tiến thương mại - du lịch trong nước và quốc tế. Hiện, Bắc Giang đã ký kết liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là chương trình phối hợp liên kết phát triển du lịch với thành phố Hà Nội. Thời gian tới, khi tỉnh đảm bảo mọi điều kiện để phát triển du lịch quy mô lớn, chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá mạnh hơn, xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của du lịch Bắc Giang”.
Với những lợi thế và chiến lược đúng đắn, du lịch tỉnh Bắc Giang sẽ phát triển vượt bậc, tạo được nhiều dấu ấn với duc khách cả nước…
Bắc Giang: Lan tỏa thương hiệu bánh chưng Vân ở huyện Hiệp Hòa TTTĐ - Ngày 24/1, tại quảng trường trung tâm huyện Hiệp Hòa, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Hội ... |
Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản Chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 111/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi ... |