"Bà hoả" rình rập chợ dân sinh
Nguy cơ luôn thường trực
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ hoản hoạn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong số đó, nhiều vụ cháy chợ dân sinh gây thiệt hại nặng nề khiến dư luận không khỏi đau xót.
Mới đây, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ dân sinh Ngọc Lịch (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) khiến nhiều ki ốt bị thiêu rụi. Thời điểm xảy ra cháy, khói bốc cao nghi ngút bao phủ toàn bộ chợ Ngọc Lịch. Một số tiểu thương đã chuyển được đồ đạc ra ngoài, tuy nhiên cũng không ít hàng đồ khô trong ki ốt đã bị cháy lan.
Sau khi đảm bảo lửa không có khả năng bén lại, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Hưng Yên, Công an huyện Văn Lâm tiếp tục điều tra nguyên nhân hoả hoạn cũng như ghi nhận thiệt hại.
Hiện trường vụ cháy chợ dân sinh Ngọc Lịch (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) |
Trước đó, vào năm 2021, trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng xảy ra vụ cháy tại chợ tạm đêm Phú Hà. Được biết, ngọn lửa bốc cháy tại ki ốt số 3 chợ tạm đêm Phú Hà, phường Phú Thịnh của hộ kinh doanh Phạm Thị Lý. Điểm xuất phát cháy tại khu vực để chứa thùng xốp, túi nilon cách mặt đường khoảng 3m, sau đó cháy lan sang kiốt số 2 và ki ốt số 4. Chất cháy chủ yếu là bàn ghế, xô, chậu nhựa, nilon, thùng xốp… Diện tích đám cháy khoảng 7m2.
Hay như những năm trước, chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), chợ Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cũng từng xảy ra cháy nổ. Điều đáng nói đây đều là những chợ lớn, đông quầy hàng hóa.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao bởi bên trong chợ có nhiều hàng hóa và vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy… Trong khi đó, ý thức về an toàn phòng cháy chữa cháy của bà con tiểu thương chưa cao. Nhiều gian hàng bố trí, sắp xếp cản trở hành lang, lối thoát nạn, thoát hiểm, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Các tiểu thương cố gắng dập lửa để cứu hàng hóa |
Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhiều chợ chưa được cải tạo, dây dẫn điện cũ hay quá hạn sử dụng chưa phù hợp với tiêu chuẩn... dễ dẫn đến quá tải, chập điện.
Thậm chí, tại các chợ dân sinh còn xảy ra thực trạng các hộ kinh doanh "câu móc" điện lung tung, không có aptomat riêng biệt, sử dụng quạt điện, bóng đèn điện dùng dây dẫn cắm trực tiếp vào ổ điện. Ở một số chợ còn có hiện tượng đun nấu ngay tại các ki ốt, sạp hàng gần các mặt hàng dễ cháy. Một số người còn thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc ngay tại ki ốt…
Dù hiện nay, do yêu cầu phòng chống dịch, số lượng quầy hàng tại một số chợ đã được phân loại, hoạt động theo quy định, giảm bớt mua bán tràn lan ngoài khu vực. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, tập kết hàng hóa của người dân, tiểu thương tại các khu chợ vẫn thường xuyên, liên tục, nên không thể lơ là cảnh giác phòng cháy chữa cháy.
Chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy
Các chợ là nơi tập trung đông người với số lượng hàng hóa lớn, dù ý thức của người dân, ban quản lý đã được nâng cao nhưng chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành “biển lửa”. Khi đó, thiệt hại về người, tài sản là rất khó lường.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy |
Nhằm đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu chợ dân sinh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp Công an các quận, huyện đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố.
Tại quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược thường xuyên buôn bán các mặt hàng dễ cháy nổ, do đó công tác phòng, chống cháy, nổ tại đây cũng được quan tâm đặc biệt. Thiếu tá Phạm Thị Hải Bình, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, các hộ kinh doanh đều đã ký cam kết phòng, chống cháy, nổ. Đồng thời, Công an quận đã tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng bình cứu hỏa, giải quyết sự cố cháy nổ từ khi phát sinh vụ việc.
Hằng ngày, cán bộ của đơn vị đều phối hợp cùng Công an phường Hàng Mã giám sát việc bảo đảm phòng cháy, chữa cháy, thực hiện nghiêm công tác “4 tại chỗ”.
Lực lượng chức năng tuyên truyền công tác phòng cháy chữa cháy tới các tiểu thương |
Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã Đào Quang Năm cho biết thêm, hằng năm có 3 thời điểm rằm tháng Bảy, rằm tháng Tám và Tết Nguyên đán, chợ truyền thống Hàng Lược, Hàng Mã sẽ họp. Vào các thời điểm trên, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lại được phường tổ chức tập huấn cho bà con tiểu thương.
Năm nay, từ trước thời điểm rằm tháng Bảy Âm lịch, tiểu thương tập kết các loại hàng mã phục vụ nhu cầu cúng lễ Vu lan, UBND phường phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm đã mở lớp tập huấn về phòng, chống cháy, nổ. Trong đó, phường yêu cầu là chủ cơ sở và huy động cả đội ngũ nhân viên tham gia tập huấn lý thuyết và thực hành.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau khi được tuyên truyền, các cơ sở kinh doanh của gia đình và bà con khu phố đã chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy của chính quyền. Ngoài việc cam kết đảm bảo các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, hằng ngày, các hộ kinh doanh đã yêu cầu nhân viên xếp hàng hóa phù hợp, nghiêm cấm hút thuốc hoặc sử dụng các thiết bị dễ gây cháy, nổ tại cửa hàng.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa mini |
Tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), lực lượng chức năng đã đi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ Hiền Ninh (xã Hiền Ninh). Theo đó, vào những ngày họp phiên, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao; Nhiều hộ kinh doanh đã tập kết nhiều hàng hóa tại ki ốt với các mặt hàng đa dạng như vàng mã, vải, quần áo, giầy dép và các đồ dùng sinh hoạt được làm bằng các vật liệu dễ cháy nên nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ tăng cao.
Vì vậy, tổ công tác đã yêu cầu Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương và bà con Nhân dân đến mua sắm không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không hút thuốc lá và thắp hương, thờ cúng đúng nơi quy định.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ dân sinh, các địa phương phải coi trọng tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ. Nhiều ban quản lý chợ và các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã yêu cầu các hộ kinh doanh ký bản cam kết về sử dụng điện như: Không tự ý dùng máy phát điện, ắc quy, kích điện… để thắp sáng; Không tự ý kéo thêm dây điện, bắt bóng điện chiếu sáng tại quầy, ki ốt, đảm bảo cẩn thận các vật liệu cháy nổ… Tuy nhiên, cam kết phải đi kèm với kiểm tra thường xuyên, sát sao, chế tài phù hợp mới có hiệu quả.