Áp thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam
Áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ hạn chế trốn thuế, chuyển lợi nhuận Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng |
Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 20/11, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho biết, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã được nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi hàng đầu thế giới thống nhất về nguyên tắc, giải pháp gồm 2 trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa; phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số và đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác toàn cầu cũng đã công bố rằng hiện nay có 138 nước đồng thuận với nội dung này về khung giải pháp hai trụ cột trên.
Việt Nam là thành viên thứ 100, nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với doanh nghiệp Việt Nam...
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) |
Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo đại biểu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung. Các nước cũng cần có quy định trong hệ thống pháp luật của mình để đảm bảo phù hợp.
Do đó, việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới như tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá và chuyển lợi nhuận.
Cần đánh giá tác động nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) cho biết, đây là một sáng kiến của các nước OECD và được G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) thông qua. Đặc biệt, sáng kiến đã nhận được sự đồng thuận của 142 nước thành viên của Diễn đàn BEPS (nghĩa là xói mòn cơ sở và chuyển dịch lợi nhuận).
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhận thấy, hiện Chính phủ chưa có đánh giá tác động toàn diện, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và nguy cơ các nước thứ ba có thể thu hoàn thuế bổ sung.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) |
Đại biểu nhấn mạnh, việc thực hiện sớm Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu thì chúng ta sẽ thu được tới 14.600 tỷ đồng, bổ sung được 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của tập đoàn đa quốc gia.
Đồng thời, việc ban hành nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo việc làm cho chính nước của họ. Qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, song song với việc ban hành nghị quyết này, chúng ta cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư vốn nước ngoài (FDI) thì cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung.
Bên cạnh việc cần sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ, trong đó nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ, bởi vì nó sẽ giúp giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn thay vì hiện nay là xuất khẩu.