Ai đổ thải, phân lô các khu đất ngoài bãi đá sông Hồng?
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, hàng nghìn mét đất bãi dọc bờ sông Hồng (khu bãi đá, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bị một số đối tượng “biến” thành bãi đổ đất thải xây dựng, sau đó cho máy xúc san lấp. Có đợt hàng chục xe tải, máy xúc công khai san lấp cả ngày lẫn đêm nhưng không thấy cơ quan chức năng hay chính quyền phường sở tại kiểm tra, xử lý?
Đến nay, sau thời gian ngắn, nhiều khu đất bên cạnh lối vào bãi đá sông Hồng đã được tôn cao, san gạt, dựng rào phân lô, trồng tre, cây lâu năm. Nhiều nhà tạm, xưởng sản xuất..., đường bê tông nối từ đường vào bãi đá đi sâu vào trong khu vực này cũng đã được xây dựng để thuận tiện cho ô tô, xe máy đi lại.
Máy xúc trực chờ để san ủi sau khi phế liệu được đổ như một công trường tại bãi sông Hồng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồồ) |
Lần theo phản ánh của bạn đọc, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đi vào ngõ 264 Âu Cơ, lối ra bãi đá sông Hồng. Sau khi qua cánh đồng trồng đào của người dân là những khu đất đã được phân lô, rào bằng dây kẽm gai, lưới B40, bên trong được dựng nhà tạm, nuôi cấy hoa lan; có chỗ làm nhà xưởng hoặc trồng tre, cây lưu niên kín mít xung quanh.
Qua khu vực này hướng lên phía cầu Nhật Tân, nhiều khu đất cũng đã được san lấp, tôn cao trồng hoa. Cách đó không xa là chiếc máy xúc lớn nằm cạnh đống đất đang san gạt dở. Tiếp tục đi lên một con ngõ lớn dẫn ra sát mép sông Hồng, những khu đất nơi đây cũng được quây rào, làm trang trại nuôi gà, trồng cây cảnh, chỗ thì đổ bê tông kinh doanh dịch vụ tập lái xe ô tô.
Trạm trộn bê tông ngoài bãi sông thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ |
Tại đây còn đặt một trạm trộn bê tông rất lớn, theo người dân thì trạm trộn bê tông này thuộc địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Nhiều năm qua cử tri cũng như lãnh đạo cấp cao đã có kiến nghị phường, quận di dời nhưng không hiểu sao trạm này vẫn tồn tại. Xe chở bê tông, xe mang vật liệu qua lại cày nát đoạn lối vào tạo thành lớp bụi trắng dầy hàng cm. Mỗi khi xe qua đây cuốn lớp bụi bay lên mù mịt khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Mấy năm trước chỉ có bãi đá sát mép sông được một số người tôn tạo trồng hoa, tiểu cảnh phục vụ kinh doanh chụp ảnh, vui chơi. Giờ đây những bãi đất, hố sinh lầy có diện tích hàng chục héc ta tại khu vực này đã được san lấp, tôn cao phân lô hết rồi. Chúng tôi cũng không biết những người chủ khu đất là ai, chỉ thấy chỗ thì quây rào, trồng cây kím mít; chỗ thì dựng nhà, đặt container mở nhà hàng Tre bãi đá…”, một số người dân ở đây nói.
Qua tìm hiểu được biết, việc đổ phế liệu, đất thải xây dựng, san lấp bãi sông đã xảy ra nhiều năm gần đây. Chính quyền phường Nhật Tân cũng đã có văn bản báo cáo quận và lập chốt, barie để ngăn chặn xử lý. Tuy nhiên gần như những văn bản, lập chốt barie này chỉ để báo cáo cấp trên và làm dịu dư luận, việc san lấp bờ bãi sông Hồng vẫn tiếp tục diễn ra. Thực tế khi PV đi xác minh cũng có chốt, có barie treo biển chống đổ trộm phế thải nhưng không thấy bóng dáng lực lượng trực chốt?.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng đổ thải, san lấp, lấn chiếm đất bãi sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hành lang thoát lũ, vi phạm luật Đất đai và pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Báo Tuổi trẻ Thủ đô đề nghị lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi Cục đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội cho kiểm tra, xử lý vi phạm.
Dưới đây là một số hình ảnh, clip nhóm PVghi nhận tình trạng đổ thải, san lấp đất bãi sông Hồng trong thời gian gần đây.