6 dấu ấn nổi bật của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021
Các Nghị quyết của HĐND TP đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô một cách toàn diện HĐND TP Hà Nội xem xét chủ trương đầu tư 5 dự án sử dụng vốn đầu tư công |
Nhiều Nghị quyết đem lại hiệu quả trong thực tiễn
Trở lại thời điểm năm 2016, cuộc bầu cử đại biểu HĐND khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bầu 105 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân Thủ đô.
Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND các cấp thành phố Hà Nội thực hiện mô hình tổ chức theo quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo đó, HĐND đã bầu đủ số lượng đại biểu, bộ máy lãnh đạo và các cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND đảm bảo đúng quy định.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành kỳ họp thứ 19 |
Nhiệm kỳ này, HĐND TP có tổng số 18 đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, cấp huyện có 70 đại biểu chuyên trách. Với cơ cấu tổ chức bộ máy mới, số lượng đại biểu chuyên trách tăng hơn, chất lượng đại biểu được chú trọng nâng cao hơn so với nhiệm kỳ trước đã góp phần làm nên thành công của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.
Cụ thể, HĐND TP đã tổ chức 19 kỳ họp với nhiều đổi mới theo hướng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng; Trong đó có nhiều kỳ họp chuyên đề để quyết định nội dung phát sinh đột suất của thành phố.
Trong quá trình tổ chức kỳ họp, việc thẩm tra của các ban HĐND đối với các nội dung UBND TP trình được thực hiện kỹ lưỡng. Các Ban tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chuyên môn của UBND ngay từ quá trình các cơ quan chuẩn bị nội dung trình. Có những nội dung thậm chí qua thẩm tra Ban HĐND đề nghị không xem xét theo đề xuất của UBND TP do không thuộc thẩm quyền. Chính vì vậy những nội dung trình ra kỳ họp đều được thông qua với tỷ lệ thống nhất cao.
HĐND TP đã ban hành gần 200 nghị quyết, trong đó có 110 nghị quyết chuyên đề nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ của Trung ương và của TP theo đúng thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi, khả thi để các cấp, ngành tổ chức thực hiện.
Đại biểu tham dự kỳ họp |
Nhiều Nghị quyết trong số đó có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, sau khi triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: Nghị quyết thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố; Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống; Nghị quyết về số lượng, chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…; Nghị quyết về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã...
Chủ động tham gia trách nhiệm, tích cực vào các hoạt động chung của TP
Điều làm nên hiệu quả tích cực trong hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của nhiệm kỳ này là lựa chọn “trúng” và “đúng” nội dung giám sát.
Nhiều chủ đề “nóng” được các Ban HĐND khảo sát, giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu giải trình, chất vấn tại kỳ họp như: Dự án chậm triển khai (cả dự án ngoài ngân sách và dự án đầu tư công), quản lý khai thác cát sỏi lòng sông, quản lý trật tự xây dựng, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường..; Hoạt động giám sát, chất vấn trong nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới, thu hút đông đảo cử tri và Nhân dân theo dõi, đánh giá cao.
Đặc biệt, phiên giải trình là hoạt động mới được Luật quy định thực hiện trong nhiệm kỳ này song đã được Thường trực HĐND TP tổ chức thực hiện rất bài bản, chất lượng, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Phương châm giám sát của HĐND TP là đi đến tận cùng vấn đề qua đó nhằm xác định rõ nguyên nhân, rõ trách nhiệm và thời gian khắc phục: một số nội dung như phòng cháy chữa cháy, dự án sử dụng đất chậm triển khai... được HĐND, các Ban HĐND giám sát, tái chất vấn, tái giám sát không dưới 3 lần. Cách thức tổ chức thực hiện luôn đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trên tinh thần thẳng thắn, công khai, dân chủ.
Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài… cho thấy trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội trước cử tri và Nhân dân Thủ đô.
Sau cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về quản lý nhà chung cư, Thường trực HĐND TP đã kiến nghị và tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, công tác quản lý nhà chung cư đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm bớt những khó khăn, vướng mắc và bức xúc của nhân dân trong lĩnh vực này.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao Cờ thi đua của UBND thành phố cho các tập thể có thành tích xuất sắc |
HĐND TP đã phối hợp thực hiện và tổ chức giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thắng lợi, thực sự là ngày hội của toàn dân; Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bám sát sự chỉ đạo của Thành uỷ và yêu cầu của thực tiễn, Thường trực HĐND TP đã chủ động, sáng tạo, tham gia trách nhiệm, tích cực vào các hoạt động chung của TP; Đề xuất các chủ trương, nội dung công việc nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp: Phối hợp với UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND TP năm 2021 và các năm tiếp theo; Trong đó thống nhất phân công rõ nhiệm vụ, vai trò của từng cơ quan, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc quy định, trình tự của Luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bước sang nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Theo quy định của Luật, số lượng cán bộ chuyên trách HĐND sẽ giảm, Thường trực HĐND TP đã quyết tâm và mạnh dạn đề xuất với Thành ủy đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND TP là 19 người nhưng đảm bảo không làm phát sinh tăng biên chế trong tổng biên chế hành chính của Thành phố được giao.
Việc bố trí tăng số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách là để HĐND thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND được quy định trong Luật và đáp ứng nhiệm vụ chính trị của TP.
Từ cách làm của HĐND TP đã có tác dụng định hướng, lan tỏa tới hoạt động của HĐND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, chất lượng, hiệu quả; Ngày càng thể hiện rõ nét vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương.
Đây có thể nói là một thành công lớn trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, được cử tri Nhân dân Thủ đô ghi nhận, được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao, là “điểm sáng”, là “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.
Bước sang nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND Thành phố Hà Nội với phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả” sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; Đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân Thủ đô.