Xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, tạm giữ hàng nghìn khẩu trang không rõ nguồn gốc
Chỉ trong hai ngày tổng ra quân, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý hàng chục đơn vị vi phạm về thiết bị y tế và khẩu trang (Ảnh: Tổng cục QLTT)
Bài liên quan
Công an Hà Nội cảnh báo lừa đảo mua bán khẩu trang qua mạng xã hội
Vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định có thể bị phạt 7 triệu đồng
Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, phát miễn phí cho học sinh, sinh viên
Công ty sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh sẽ bị xử lý thế nào?
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, trong ngày 18/2, lực lượng QLTT trên cả nước đã tổng kiểm tra 91 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế (TBYT), hiệu thuốc đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. 12 cửa hàng vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử phạt 61,8 triệu đồng. Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 18/2, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 4.592 vụ.
Theo nhận định, hiện nay nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao. Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là khẩu trang y tế.
Cục QLTT các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, chỉ trong ngày 19/2, số vụ kiểm tra, giám sát là 134, xử lý 49 vụ với số tiền xử phạt 83.625.000 đồng. Số hàng hóa đã tạm giữ là 47.222 chiếc khẩu trang. Cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 19/2, số vụ kiểm tra, giám sát, xử lý của lực lượng QLTT là 4.726 vụ.
Lực lượng chức năng đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh dược phẩm, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh |
Một số vụ kiểm tra, xử lý điển hình như: Ngày 17/2, Đội QLTT số 06, Cục QLTT tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dược phẩm Medi Korea (địa chỉ phường Quang Trung, TP Thái Bình), với số tiền xử phạt 40 triệu đồng. Hành vi vi phạm: Sản xuất nước rửa tay khô OSAMA CICO là chế phẩm diệt khuẩn chưa có số đăng ký lưu hành, hàng hóa chưa đủ điều kiện, chưa được phép lưu hành. Hàng hóa buộc tiêu hủy: 500 chai nước rửa tay khô nhãn hiệu OSAMA CICO, loại 300ml.
Còn tại TP Hà Nội, ngày 18/2, Đội QLTT số 01 kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm Cát Linh (địa chỉ số 19 đường 2.3 Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai). Qua kiểm tra, Đội phát hiện một số hàng hóa của công ty có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc theo quy định; Công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 2.150 chiếc khẩu trang kháng khuẩn, 70,5 lkg vải không dệt, 12kg vải lọc kháng khuẩn để xử lý theo quy định.
Tại Lạng Sơn, ngày 18/2, Đội QLTT số 07 phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương phát hiện xe ô tô bán tải BKS12C-085.49 do ông Trần Minh Tú (sinh năm 1969, trú tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển chở hàng hóa có dấu hiệu xuất lậu qua biên giới. Qua kiểm tra phát hiện xe vận chuyển 10.000 chiếc khẩu trang y tế không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, 350kg thịt lợn không qua kiểm tra thú y. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ phương tiện, hàng hóa để xác minh, xử lý theo quy định.
Còn tại TP HCM, cũng trong ngày 18/2, Đội QLTT số 09 kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất TM Việt Thắng (địa chỉ 17/1A đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Tại đây, công ty đang sản xuất khẩu trang nhãn hiệu Việt Thắng loại 4 lớp gồm 3 lớp vải không dệt và 1 lớp lọc kháng khuẩn. Theo bản tự công bố chất lượng sản phẩm của công ty, chất liệu để sản xuất khẩu trang là 100% Polypropylene. Đội lập biên bản tạm giữ 700 hộp (50 cái/hộp) khẩu trang có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc và lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất liệu vải theo bản tự công bố của công ty để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.