Xử phạt hành chính không chỉ bằng tiền
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng "phạt là để người vi phạm sợ, phạt phải có hiệu lực, có cưỡng chế”
Bài liên quan
Hà Nội: Xử phạt 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Đà Nẵng: Phạt hành chính nam thanh niên điều khiển xe máy... bằng chân
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) xử phạt vi phạm hành chính đừng có quan điểm chỉ phạt tiền mà cần có thêm các giải pháp bổ sung như các nước đã làm, ví dụ lao động công ích hay công khai danh tính các đơn vị, cá nhân bị xử phạt để tăng tính răn đe.
“Xử phạt tiền không phải là để thu cho ngân sách mà răn đe, để người khác không dám vi phạm. Với nhiều người, nộp phạt hàng chục triệu đồng không có nghĩa lý gì. Ví dụ các quý tử đua xe trái phép. Do đó cần có giải pháp phạt bổ sung, đơn cử như lao động công ích”, đại biểu Lan đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần thiết quy định mức xử phạt tối đa (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đại biểu Lan cho rằng, để pháp luật nghiêm, phải có các chế tài xử phạt bổ sung, nhất là với những hành vi tái phạm. Doanh nghiệp vi phạm, bị phạt tiền không sợ nhưng nếu luật có quy định phạt bổ sung đưa thông tin doanh nghiệp vi phạm lên báo chí, trang thông tin điện tử họ lại sợ. Cũng có những doanh nghiệp khi bị xử phạt rất chấp hành nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chây ì không chịu nộp phạt, khắc phục, nên cần quy định rõ việc cưỡng chế xử lý vi phạm đối với những đối tượng không thực hiện. Song song đó, nên cập nhật lịch sử vi phạm của tổ chức, cá nhân vào dữ liệu điện tử quản lý cá nhân để sau này họ có thể bị hạn chế thực hiện các giao dịch liên quan. Ở nhiều quốc gia, người bị xử phạt vi phạm giao thông nhiều lần sẽ bị mua bảo hiểm với mức cao hoặc chịu phí kiểm định cao.
Ủng hộ việc tăng chế tài xử phạt, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nhấn mạnh: “Tại sao dân Việt Nam sang nước ngoài ý thức cao, còn về Việt Nam thì lại dễ dãi? Xử phạt phải có hiệu lực, nghiêm, không thì sẽ nhờn luật. Xử phạt hành chính bằng tiền là một chuyện nhưng quan trọng là phải làm cho họ sợ để không tái phạm. Một người đi ô tô đắt tiền phạt mấy triệu đồng chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu bắt đi lao động công ích mấy ngày sẽ ngại, sẽ sợ. Do đó, phạt là để họ sợ, phạt phải có hiệu lực, có cưỡng chế”.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính ảnh hưởng đến toàn dân và mang tính chất lập lại trật tự, kỷ cương xã hội. Nếu điều chỉnh bổ sung được những khoản quản lý xã hội tốt thì sẽ có tác động rất lớn với toàn xã hội, đặc biệt tình hình vi phạm ở địa phương, vùng sâu, vùng xa.
Xuất phát từ Nghị định 100, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, người dân rất ủng hộ, do đó các điều khoản nên đưa ra mức hình phạt thật cao. “Nếu muốn quản lý xã hội mà phạt thấp thì không đảm bảo tính răn đe. Mặc dù có điều chỉnh nhưng nhiều loại vi phạm có mức phạt rất nhẹ như vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả... trong khi loại vi phạm này ảnh hưởng rất lớn, không chỉ sức khỏe mà còn cả thế hệ con cháu chúng ta. Do đó, nên rà soát lại, Quốc hội hoàn toàn có thể ban hành khung hình phạt thật cao để răn đe”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, bài học rõ nhất là việc xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Người dân đã tự ý thức khi điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia. Do vậy, việc tăng mức phạt hành chính có tính răn đe, nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực tại Điều 24 như giao thông đường bộ, kinh doanh bất động sản; Bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định như tín ngưỡng, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn thông tin mạng. Tuy vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn việc tăng mức phạt trong từng lĩnh vực, đảm bảo việc tăng mức phạt tiền tối đa là có cơ sở đánh giá tác động cụ thể bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm.