Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong theo hướng trường chính trị thông minh trên nền tảng công nghệ số
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Đề án số 27-ĐA/TU về phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đến năm 2030.
Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội trở thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu và dẫn đầu cả nước, xứng tầm trường chính trị của Thủ đô. Đồng thời, là cơ sở nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, tham mưu chính sách có uy tín của Thủ đô và đất nước, kết nối khu vực và quốc tế.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đối với 5 nội dung.
Theo đó, về Xây dựng tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực: Trường đạt trường chính trị chuẩn mức 1 năm 2024, đạt chuẩn mức 2 từ năm 2026, là mô hình trường chính trị chuẩn tiêu biểu của cả nước, có tổ chức bộ máy tương xứng với chức năng, nhiệm vụ do Trung ương và thành phố giao.
Trường có các đơn vị chuyên trách thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm; Có ít nhất 20% cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 100% thành viên Ban Giám hiệu và trưởng, phó các khoa; Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có chất lượng cao, đạt tỷ lệ theo quy định; bước đầu kết nối khu vực và quốc tế.
Đến năm 2030, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trở thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu dẫn đầu cả nước, theo hướng trường chính trị thông minh trên nền tảng công nghệ số hiện đại; Có ít nhất 30% cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 100% thành viên Ban Giám hiệu và trưởng, phó các đơn vị trực thuộc.
Trong đó, bước đầu xây dựng được đội ngũ giảng viên - chuyên gia có năng lực, phẩm chất nổi trội trong các lĩnh vực chuyên môn của trường, có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế; Có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước đạt tỷ lệ quy định, có chất lượng cao; Kết nối hiệu quả với khu vực và quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng: Đến năm 2026, Trường tập trung nghiên cứu, phát triển và thực hiện tốt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được giao; Chú trọng tổ chức các lớp cập nhật kiến thức ngắn hạn theo định kỳ, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; Có phương thức quản trị nội bộ và hệ thống kiểm soát, đảm bảo chất lượng tiên tiến, ứng dụng công nghệ số đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2030, Trường có chương trình, phương pháp giảng dạy hiện đại; Có chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và hệ thống kiểm soát, đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp; Từng bước đa dạng hóa các phương thức tổ chức, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước dựa trên nền tảng công nghệ số; Trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có uy tín hàng đầu đất nước.
Về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và tham mưu chính sách: Đến năm 2026, bước đầu xây dựng được mạng lưới kết nối nghiên cứu khoa học hiệu quả; Có phương thức quản lý hoạt động khoa học hiệu quả dựa trên công nghệ số; Có tạp chí khoa học xuất bản hằng tháng...
Đến năm 2030, bước đầu có kết nối hiệu quả về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với các cơ sở uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là về khoa học lý luận chính trị, hành chính, quản trị chính sách.
Về đổi mới phương thức quản trị gắn với chuyển đổi số: Đến năm 2026, 100% chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và công tác quản trị, điều hành nhà trường được thực hiện trên môi trường số; Có ít nhất 20% hoạt động dạy và học trên môi trường số... Đến năm 2030, trường có hệ sinh thái giảng dạy, học tập và quản trị, điều hành hiệu quả trên công nghệ số hiện đại; Có ít nhất 30% hoạt động dạy và học trên môi trường số.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2026 hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án đầu tư xây dựng trị sở Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội với hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Kiện toàn nhân sự 3 tiểu ban chuẩn bị phục vụ Đại hội

Quốc hội xem xét việc xóa bỏ thanh tra sở, huyện

Đổi mới, linh hoạt, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Đề xuất chấm dứt hoạt động của Viện kiểm sát cấp cao, cấp huyện

Chất lượng cán bộ sẽ đánh giá bằng "KPI", sản phẩm công việc

Khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của Việt Nam

Trình Quốc hội bỏ tòa án cấp cao và cấp huyện

90 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển về xã

Khắc phục triệt để cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
