Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố và quận Hoàn Kiếm.
Đoàn kiểm tra Trung ương tham quan một số cơ sở văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm |
Theo báo cáo của quận Hoàn Kiếm: Sau khi các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy được ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện gắn với triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa - văn nghệ trên địa bàn quận.
Nhờ đó, quận Hoàn Kiếm đã đạt được những kết quả nổi bật như: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh phát triển toàn diện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng thị trường văn hóa, chủ động hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn được chú trọng. Các nội dung, chỉ tiêu của các nghị quyết, chỉ thị, chương trình được các cấp ủy, chính quyền quận Hoàn Kiếm cụ thể hóa và thực hiện theo tiến độ kế hoạch, cơ bản đều hoàn thành, qua đó vừa bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá của Hà Nội, vừa góp phần quảng bá hình ảnh quận Hoàn Kiếm và Thủ đô đến với bạn bè trong nước và quốc tế; Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn quận phát triển mạnh, đưa kinh tế quận phát triển nhanh và bền vững.
Đoàn kiểm tra Trung ương tham quan một số cơ sở văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm |
Năm 2021 vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận đạt hơn 14.008 tỷ đồng, bằng 156,5% dự toán thành phố giao, bằng 133,1% so với cùng kỳ. Quý I/2022, doanh thu ngành thương mại, dịch vụ ước tăng 3,7% so với cùng kỳ; Doanh thu ngành du lịch ước tăng 7,26% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 3.208 tỷ đồng, bằng 81,2% so cùng kỳ, đạt 28,5% dự toán năm. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm hiện đại, thanh lịch, văn minh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kiến nghị Trung ương và thành phố nghiên cứu có quy chế phối hợp để thống nhất trong công tác quản lý và phát huy giá trị các thiết chế văn hóa của Trung ương, Hà Nội và quận nhằm tạo sự đồng bộ, phát huy hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa trên địa bàn quận và Thủ đô. Đồng thời, quận kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu đưa nội dung bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho rằng, Hoàn Kiếm có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận cuộc làm việc |
Vì thế, những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện các dự án về phát triển văn hóa, khai thác hiệu quả các thiết chế cần được các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ hơn nữa trong thời gian tới.
Kết luận tại buổi khảo sát, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm ghi nhận và đánh giá cao các mô hình, cách làm hay của quận Hoàn Kiếm trong triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng khi xây dựng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn; Đồng thời chia sẻ với những khó khăn của quận Hoàn Kiếm trong việc bảo tồn, tôn tạo cũng như khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa.
Đồng chí khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương sẵn sàng kết nối với các đơn vị liên quan và chia sẻ kinh nghiệm để quận Hoàn Kiếm triển khai hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa - văn nghệ trên địa bàn; Cụ thể là tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến cơ chế đầu tư công - quản trị tư để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được giá trị của các thiết chế văn hóa này, cùng chung tay bảo vệ.