WB muốn Việt Nam không xây thêm điện than, cam kết hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành, cùng Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Tư pháp... liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, khí hậu trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương.
Trong thư, WB đã đề cập đến Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan đến vấn đề này, WB khuyến nghị Việt Nam cần đưa ra cam kết rõ ràng về mức phát thải cao nhất và số năm mục tiêu khí nhà kính bằng 0.
Điều này sẽ giúp Việt Nam tham gia liên minh toàn cầu về mức mục tiêu khí nhà kính bằng 0 cùng với hơn 130 quốc gia khác. Hơn nữa, điều này sẽ tái khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và chống lại biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, WB cũng khuyến nghị Việt Nam nên thông báo rõ ràng về việc không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới và đưa ra tán thành với Hiệp ước năng lượng không sử dụng điện than mới tại buổi đối thoại cấp cao về năng lượng của Liên hợp quốc.
Theo WB, điều này sẽ cung cấp định hướng rõ ràng trong vấn đề đầu tư và là tín hiệu tích cực cho những người dân đang ngày càng quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, việc tài trợ quốc tế tư nhân và song phương cho các nhà máy điện than đang chấm dứt, khi các nhà đầu tư nước ngoài tư nhân thoái vốn khỏi điện than. Những nhà đầu tư này đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư năng lượng, gồm năng lượng tái tạo.
Hạn chế điện than là xu thế chung của thế giới |
Trong thư, WB bày tỏ niềm tin vào việc giảm thiểu carbon sẽ là chìa khóa thúc đẩy khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Thậm chí, tổ chức này còn dự đoán thuế carbon có thể sẽ trở thành một điều phổ biến trong thương mại quốc tế trong tương lai gần. Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư FDI đang phụ thuộc lớn vào sự sẵn có của hệ thống sản xuất ít carbon của nước sở tại.
WB cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư FDI hơn, khi mà các công ty lớn đang chú trọng hơn vào chuỗi cung ứng xanh và các sản phẩm xanh, bởi họ muốn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như đáp ứng các cam kết toàn cầu trong việc giảm lượng khí thải carbon, ví dụ như thông qua các sáng kiến RE100 hoặc cuộc đua đến Rezo.
Ngoài tác động khí hậu, theo WB, quá trình đốt than còn gây ô nhiễm không khí, một trong nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong sớm, chỉ sau tăng huyết áp, hút thuốc và đái tháo đường. Tác động kinh tế đối với chi phí chăm sóc sức khỏe và tổn thất năng suất có thể lên đến hàng triệu đô la.
Do đó, với tư cách là một nhóm các đối tác phát triển, WB cam kết sẽ hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư công và tư nhân (bao gồm cả FDI) trong quá trình chuyển đổi và thích ứng năng lượng, đồng thời huy động tài chính xanh và tài chính khí hậu quốc tế.
Đại diện WB cho biết sẵn sàng làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết các điểm nghẽn, đặc biệt là trong khuôn khổ pháp lý về ODA (Nghị định 56), nhằm tạo điều kiện cho các đối tác phát triển hỗ trợ Việt Nam.
Được biết, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 tới đây, tại Glasgow, Anh cũng sẽ bàn về vấn đề phát triển năng lượng điện.
Việt Nam có lộ trình giảm điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo |
Trong một diễn biến liên quan, ngày 8/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu John Kerry, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Tại cuộc điện đàm, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Mỹ sau hơn 25 năm tiếp tục phát triển ổn định, đi vào chiều sâu, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển bền vững là trọng tâm và hợp tác năng lượng sạch, tái tạo là điểm sáng, động lực mới. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải, giáo dục, đào tạo, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ ngày càng chặt chẽ và không ngừng mở rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm của chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy các nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đây là vấn đề toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu. Là một trong những nước có bờ biển dài, đồng bằng thấp, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ những rủi ro, thách thức gây ra bởi biến đổi khí hậu, nhất là ảnh hưởng nặng nề tại Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định dù quá trình chuyển đổi kinh tế xanh còn gặp nhiều khó khăn sau nhiều năm trải qua chiến tranh, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon, có lộ trình để giảm mạnh phụ thuộc vào điện than và tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với chủ trương của Việt Nam về phát triển bền vững và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp giảm nhẹ phát thải khí metal, cắt giảm lượng khí phát thải nhà kính và phát triển năng lượng bền vững.
Về phía Đặc phái viên John Kerry khẳng định, Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Ông John Kerry cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và khẳng định mong muốn Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông Kerry cho rằng Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, tái tạo (thủy điện, điện khí, điện gió và mặt trời), khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về công nghệ năng lượng sạch, tái tạo với các dự án hợp tác cụ thể.
Mới đây, nhóm 10 liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu cũng đã có văn bản góp ý những điểm trong bản dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương đưa ra hồi đầu tháng 9/2021. Theo nhóm 10 liên minh, dự thảo Quy hoạch điện VIII mới nhất thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo. Cũng tại bản góp ý, nhóm 10 liên minh cũng cho rằng, việc các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai. Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã. Mặt khác, với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu sẽ phải đối mặt với thuế các bon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các bon mà họ cam kết. Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, bài học từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính và khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch. Nhóm 10 liên minh nhấn mạnh, điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, bản dự thảo hiện tại chưa rà soát toàn diện những khía cạnh nêu trên mà chỉ xem xét ở phạm vi của hệ thống điện. Trên cơ sở đó, nhóm 10 liên minh kiến nghị Bộ Công thương đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; đồng thời ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai. |