Vượt khó đến trường, nam sinh trở thành đại biểu “Quốc hội trẻ em”
Vedan Việt Nam trao học bổng "tiếp sức" học sinh, sinh viên khuyết tật vượt khó đến trường |
Với thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc, Phềnh được lựa chọn là đại biểu tham dự phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024.
Nhà có 5 anh chị em, Phềnh là người duy nhất may mắn còn được đi học. Đây là niềm vui, hạnh phúc, động lực giúp cậu học trò đi bộ vượt quãng đường dài 8km, leo lên những dốc núi gập ghềnh để đến trường. Phềnh cho biết, nơi cậu học trò sinh sống chủ yếu là người dân tộc Mông. Đồng bào quê Phềnh chịu khó lao động trồng ngô, khoai… nhưng vẫn rất nghèo.
“Dù được chính quyền, thầy cô chăm lo, tạo điều kiện cho học sinh đi học nhưng vẫn còn nhiều bạn nghỉ học sớm để đi làm nương. Vì nhà nghèo, bố mẹ cũng muốn em nghỉ học lên nương như các bạn”, Phềnh kể.
Thào Mí Phềnh |
Khát khao được học con chữ nên Phềnh nỗ lực đến trường. Học ở trường bán trú, cuối tuần Phềnh lại trở về nhà giúp bố mẹ làm nương, chăn nuôi lợn, gà... 5 giờ sáng thứ thứ hai hằng tuần, cậu học trò lại đi bộ 8 km trở lại trường học.
Với sự nỗ lực không ngừng, nhiều năm liền Phềnh là học sinh giỏi của trường. Cậu học trò còn là Chi đội phó, lớp phó học tập và thành viên trong Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Phềnh cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động trường lớp.
Vì thế, Phềnh là một những đại biểu chỉ định tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em" lần thứ II, năm 2024 với mong muốn đại diện cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Giang nói lên tiếng nói của bản thân.
“Được chọn trở thành đại biểu chính thức của phiên họp, bên cạnh niềm vui, em cũng vô cùng hồi hộp. Đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình rất ý nghĩa với không chỉ bản thân mà cả những bạn nơi em sinh sống. Em sẽ cố gắng hết mình để có thể mang tiếng nói của trẻ em huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tới được các bác lãnh đạo”, Phềnh chia sẻ.
Thào Mí Phềnh tại chương trình gặp mặt báo chí giới thiệu về phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II, năm 2024 |
Cũng từ khi biết được thông tin trở thành đại biểu chính thức của phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, Phềnh tích cực đọc bài hướng dẫn của thầy cô giáo, trao đổi với các bạn trong trường, trong câu lạc bộ để nghe nhiều ý kiến hơn.
Theo Phềnh, 2 chủ đề được “Quốc hội trẻ em” bàn thảo lần này gồm “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” rất được thiếu nhi quan tâm.
“Ở quê em vẫn còn nhiều bạn trốn đi làm thuê để kiếm tiền mua thuốc lá. Trong khi đó, hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực học đường cũng rất báo động cần được giải quyết”, Phềnh chia sẻ
Vì vậy, qua phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần này, Phềnh mong muốn sẽ nắm được nhiều thông tin, tác hại của bạo lực học đường và các chất kích thích để về tuyên truyền cho các bạn ở bản. Phềnh cũng mong muốn các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng cao để ai cũng được đến trường, thực hiện ước mơ.
Từ ngày 27 - 29/9/2024, tại Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024. Diễn ra trong 3 ngày, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024 có sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Phiên khai mạc diễn ra vào sáng 28/9, chiều cùng ngày, 306 chia thành 12 tổ thảo luận. Sáng 29/9, các đại biểu sẽ tham gia phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội về 2 chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. |