Vụ gia đình mù chữ 30 năm “cõng” đơn đòi đất cho mượn: Đừng im lặng trước tiếng kêu cứu của dân
Ông Vòng A Dùi (em trai ông Sáng) đứng cạnh ngôi nhà tạm bị chính quyền cưỡng chế
Bài liên quan
Đồng Nai: Gia đình mù chữ gần 30 năm “cõng” đơn đòi đất cho mượn
Chậm bồi thường khi thu hồi đất, UBND tỉnh Đồng Nai “làm ngơ” trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng?
Đồng Nai: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại dự án Khu trung tâm dịch vụ KCN Bàu Xéo
Quyền lợi người dân bị “bỏ quên”?
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài phản ánh “Đồng Nai: Gia đình mù chữ gần 30 năm “cõng” đơn đòi đất cho mượn”. Sau khi đăng, bài báo đã thu hút đông đảo dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm đối với gia đình ông Sáng, bởi hoàn cảnh vô cùng đặc biệt của gia đình này, vừa mù chữ lại là người dân tộc thiểu.
Bên cạnh đó, cũng không ít độc giả đã lên tiếng cho rằng chính quyền địa phương đã “bỏ quên” quyền lợi của người dân gần 30 năm nay, chưa có một kết quả giải quyết thỏa đáng, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng, sống lay lắt không nhà, không chốn nương thân.
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn cầu cứu của ông Tchềnh Khoan Sáng (ngụ ấp 1, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Theo ông Sáng cho biết, năm 1965, gia đình ông tự khai phá được mảnh đất khoảng 25.000m2 (chiều ngang 40m, chiều dài 625m2), thuộc xã Phú Hoa, huyện Tân Phú (nay là ấp 5, xã Phú Vinh, huyện Định Quán) và canh tác ổn định không tranh chấp với ai.
Đến năm 1977, lãnh đạo xã Phú Hoa cùng Ban Giám đốc Đội cầu đường Xuân Lộc – Long Khánh (thuộc Ty Giao thông Vận tải Đồng Nai cũ) tìm đến nhà ông Vòng Nãi Bố (cha của ông Sáng) để “mượn” một phần đất của gia đình làm nơi ở cho công nhân và nơi để xe, bồn chứa dầu cho Đội cầu đường. Gia đình ông đã đồng ý cho mượn một phần đất trên.
Đến năm 1989, gia đình ông Bố (nay ủy quyền cho ông Sáng) làm đơn khiếu nại xin lại phần đất 7.400m2 (trong tổng số 25.000m2) thì được UBND huyện Tân Phú cũ giao lại 4.200m2 đất (phần diện tích này đã được gia đình sang nhượng cho người khác). Phần diện tích còn lại (phần đất theo gia đình đã cho Đội cầu đường mượn) phía chính quyền cho rằng “không có căn cứ pháp lý để giải quyết” và chỉ giao lại một phần diện tích đất (khoảng 746,7m2) nơi có mồ mả của thân tộc để ông tiện chăm sóc.
Theo Quyết định số 589/QĐ.CT-UBT ngày 8/3/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về giải quyết đơn khiếu nại của ông Sáng, phần đất 2.693,9m2 (diện tích do UBND huyện Định Quán đo đạc) có nguồn gốc do gia đình ông Sáng khai phá. Sau đó, UBND xã Phú Hoa đã thu hồi giao cho Đội cầu đường sử dụng từ năm 1977. Đồng thời, theo các văn bản trả lời đơn trước đây của UBND huyện Định Quán đều cho rằng, phần đất này thuộc đất công do Nhà nước quản lý nên không có căn cứ để giải quyết.
Quyết định số 589/QĐ.CT-UBT ngày 8/3/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về giải quyết đơn khiếu nại, thừa nhận phần đất này là do gia đình ông Sáng khai phá |
Về vấn đề này, ông Sáng cho biết, rất nhiều lần đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc thu hồi phần đất nói trên, nhưng chưa bao giờ nhận ông được thông tin phản hồi từ phía chính quyền. Thậm chí, việc thu hồi này gia đình ông không hề biết và cũng chưa bao giờ cầm được quyết định trong tay.
Cũng theo ông Sáng, “Chính Quyết định 589 của UBND tỉnh Đồng Nai đã thừa nhận phần đất 2.693,9m2 là do gia đình tôi khai phá. Nhưng không hiểu vì sao, lúc thu hồi lại không được bồi thường hay hoán đổi đất khác để gia đình canh tác? Họ (chính quyền – PV) nói rằng thời điểm này không có chủ trương đền bù thiệt hại về đất. Điều này thật vô lý”, ông Sáng nói trong bức xúc.
Trong khi đó, việc ông Sáng cho Đội cầu đường mượn đất để làm việc lại được chính người dân địa phương và lãnh đạo cũ của đơn vị này lên tiếng xác nhận.
Xác nhận của nguyên lãnh đạo Đội cầu đường cũ trước đây đã mượn đất của gia đình ông Sáng |
Cụ thể, theo Giấy xác nhận của Ban Giám đốc đoạn cầu đường Xuân Lộc – Long Khánh, gồm ông: Vũ Xuân Mão, chức vụ Đoạn trưởng (Đội trưởng Đội cầu đường); ông Nguyễn Văn Kiếm, chức vụ Đoạn phó, cho biết: “Sau khi được sự đồng ý của ông Vòng Nãi Bố, ông dắt chúng tôi đi và chỉ khu đất sát quốc lộ 20, chiều ngang 40m, chiều dài chúng tôi thấy dài quá nên Ban Giám đốc chúng tôi thống nhất là tạm mượn chiều dài 60m”.
Ngoài ra, hai người này còn xác nhận, trước khi giải thể Đội cầu đường cũ để sáp nhập thành Công ty Cầu đường 2 Long Khánh, Ban Giám đốc công ty đã họp và thống nhất chủ trương trả lại đất cho gia đình ông Vòng Nãi Bố. Đồng thời khẳng định, việc mượn đất là hoàn toàn đúng sự thật.
UBND huyện Định Quán “né tránh” cung cấp thông tin?
Trước những thông tin trên, ngày 16/10/2018, phóng viên đã liên hệ đến UBND huyện Định Quán để tìm hiểu vụ việc. Tại đây, ông Nguyễn Đình Xảo – Chánh Văn phòng UBND huyện đã tiếp nhận nội dung làm việc của phóng viên, sau đó cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo và phản hồi cho báo chí sau.
Tuy nhiên, tính đến nay đã hơn 5 tháng trôi qua, mặc dù phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ lại qua điện thoại nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào. Trong khi đó, cần biết Luật Báo chí đã quy định rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí”.
Đồng thời, Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ cũng Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan Nhà nước: “Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24 giờ, kể từ khi vụ việc xảy ra”.
UBND huyện Định Quán “né tránh” trả lời báo chí? |
Luật quy định đã rõ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà hơn 5 tháng qua, UBND huyện Định Quán vẫn chưa có thông tin phản hồi nào, thậm chí có dấu hiệu “né tránh” cung cấp thông tin?
Trước sự “im lặng” một cách khó hiểu của chính quyền địa phương, nhiều người đặt câu hỏi, liệu trong vụ việc này có sự “khuất tất” nào không? Vì sao UBND huyện Định Quán luôn “né tránh” hoặc “im lặng” trước báo chí và người khiếu nại suốt thời gian qua mà không có bất cứ động thái phản hồi nào? Đặc biệt, dư luận muốn biết các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và huyện Định Quán căn cứ vào đâu để “biến” phần đất khai hoang của gia đình ông Tchềnh Khoan Sáng trở thành đất công mà không được bồi thường? Nếu cho rằng đã thu hồi đất, thì chính quyền cần cung cấp các văn bản hoặc căn cứ liên quan để chứng minh cho người dân thuyết phục...
Theo Luật sư Phan Anh, Phó Giám đốc Công ty Luật Winco, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Trong vụ việc này, để đảm bảo khách quan, cơ quan quản lý địa phương (tức UBND huyện Định Quán) nên công khai, công bố hồ sơ thủ tục về thu hồi đất đối với phần đất mà gia đình ông Sáng đang khiếu nại, thay vì né tránh, gây hiệu ứng không tốt trong dư luận. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Định Quán cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, có cơ chế đền bù, hỗ trợ cho người dân theo quy định pháp luật, tránh tình trạng thu hồi đất sai mục đích, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Đồng thời, căn cứ Luật Báo chí 2016, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ năm 2017, UBND tỉnh Đồng Nai cần chỉ đạo UBND huyện Định Quán sớm có thông tin phản hồi đến báo chí và bạn đọc”.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.