Vốn đầu tư nước ngoài "rót" vào Hà Nội tăng mạnh
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2023 cho Nhân dân Thủ đô khoảng 39.500 tỷ đồng Hà Nội lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu dịp Tết năm 2023 |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10/2022, TP Hà Nội có 21 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,7 triệu USD.
Bên cạnh đó, tháng 10/2022, Hà Nội còn có 22 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 237,1 triệu USD; Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 30 lượt, đạt 20 triệu USD.
Tính chung 10 tháng năm 2022, toàn TP Hà Nội thu hút 1.280 triệu USD vốn FDI, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 283 dự án với số vốn đạt 185,1 triệu USD; 163 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 573 triệu USD; 324 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 521,9 triệu USD.
Một góc thành phố Hà Nội |
Cũng theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 10/2022, thành phố có hơn 2,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, giảm 32%; Thực hiện thủ tục giải thể cho 268 doanh nghiệp, tăng 20%; 1.264 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 50%; 824 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 24%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, Hà Nội có 24,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký đạt 283 nghìn tỷ đồng, tăng 7%; Thực hiện thủ tục giải thể cho gần 3 .000 doanh nghiệp, tăng 19%; có trên 15.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 43%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 2,4%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Nếu xét quy mô cả nước, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư dự án nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP HCM, Hà Nội. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.
Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước giữa bối cảnh mới của nền kinh tế.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; Đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.