Vàng mã xuất hiện trên "chợ ảo", người dân phòng cháy nổ dịp Tết
Thay đổi ý thức, thị trường vàng mã truyền thống ế ẩm
Tết Nguyên đán cận kề, hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đặc biệt là nhiều gia đình tổ chức tảo mộ, lễ bái người thân đã khuất.
Vào những ngày giáp Tết, các gia đình thường sắm lễ vật, vàng mã để tiến cúng chư vị tôn thần cai quản nghĩa trang hay những khu mộ, khu gò mả, những ngôi mộ quanh nhà... nhằm sửa sang lại mộ phần người đã khuất và mời ông bà, tổ tiên về đón Tết với con cháu.
Vàng mã xuất hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử |
Nhiều gia đình cho rằng, tảo mộ cuối năm cũng là dịp để con cháu được giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm. Cho nên, đây không chỉ là phong tục phổ biến của các gia đình mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Trong những ngày này, những khu mộ trở nên đông đúc và nhộn nhịp.
Khi đi tảo mộ, cha mẹ hay ông bà cũng thường dẫn con cháu theo, trước là để hướng dẫn cho con cháu biết những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục tảo mộ.
Ông Nguyễn Văn Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết:"Những năm trước, vào dịp tháng Chạp, nhiều gia đình đốt vàng mã, quần áo thậm chí... siêu xe, du thuyền, biệt thự... cho các Táo và người thân ở "cõi âm" khi đi tảo mộ.
Thậm chí có những gia đình chi gần tiền triệu để mua đồ vàng mã. Tuy nhiên, tôi thấy hóa vàng là văn hóa xưa nay nhưng cần phải tiết kiệm, đốt một ít thể hiện lòng thành, mong ông bà phù hộ cho con cháu...".
Phòng ngừa "giặc lửa" trong những ngày Tết
Vào dịp đầu Xuân là lúc thời tiết thay đổi, trời hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Đặc biệt, việc thắp hương, đốt vàng mã tại các đình, chùa, miếu, nơi tổ chức các hoạt động lễ, hội để thờ cúng, các khu nghĩa trang… và hộ gia đình sẽ gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.
Đáng lo ngại, trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, lượng du khách đổ về các địa điểm tâm linh ngày càng đông, kéo theo đó là tình trạng đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Nhiều người vì “tiện” mà đốt vàng mã trong khuôn viên các cơ sở thờ tự, không phải khu vực thắp nhang, hóa vàng mã mà chùa quy định.
Phòng ngừa cháy nổ khi đốt vàng mã |
Trước thềm Tết Nguyên đán, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo an toàn PCCC như: Bát hương phải kê, đặt trên các thiết bị không cháy hoặc khó cháy; đồ thắp hương dễ cháy (như vàng mã) phải để xa bát hương; khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân hóa vàng mã phải đúng nơi quy định: không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.
Trước khi đốt vàng mã phải chọn nơi kín gió, hoặc sử dụng lư hương, có các biện pháp che chắn tránh gió cuốn tàn lửa sang các khu vực xung quanh gây cháy (các thùng lư hương hoặc đỉnh bằng vật liệu không cháy để đốt vàng, mã và đặt cách xa hàng hóa dễ cháy ít nhất 2m). Khi đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi không còn tàn lửa, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước; đốt xong để nguội hẳn mới đổ tro.
Công an TP Hà Nội cũng đề nghị người dân sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (như: tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m; mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, lô gia, sân thượng, lên mái, sang nhà bên cạnh.