Văn hóa tiếp tục “soi đường cho quốc dân đi”
Nêu gương - biện pháp hiệu quả xây dựng con người văn hóa |
Sáng 24/11, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trình bày báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình.
Người Việt giúp đỡ nhau cùng vượt qua đại dịch |
Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; Hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…
Trong đó, đồng chí khẳng định: Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
“Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”, trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, Bác Hồ đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Để có được mối đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc ấy, thì đương nhiên mỗi con người phải là một chủ thể văn hóa. Phải có văn hóa, phải biết nhường nhịn nhau, biết hòa lợi ích của cá nhân trong tập thể, biết hi sinh bản thân mình vì cái chung, có như thế mối đoàn kết mới được bền chặt, vững chắc và lâu dài.
Vì biết bao người hi sinh hạnh phúc riêng tư, bao người gác lại bút nghiên lên đường ra trận, bao người gửi tuổi xuân nằm lại chiến trường, bao người dành cả cuộc đời để đóng góp cho sự nghiệp giành lại hòa bình mà đất nước ta mới lần lượt trải qua những cuộc chiến tranh, được bình yên, no ấm như ngày nay.
Đến khi đại dịch Covid-19 nổ ra, với tốc độ lây lan chóng mặt, một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại đan chặt vòng tay “rừng núi dang tay nối liền biển xa”. Dịch xuất hiện ở Vĩnh Phúc, Hà Nội và các tỉnh thành khác lập tức chi viện. Dịch bùng phát ở Đà Nẵng, cả đất nước gửi trang thiết bị y tế, nhân lực, vật lực, tiền của để góp sức. Rồi dịch ở Hải Dương, Bắc Giang, cả nước cũng lại chung tay với một khí thế bừng bừng, vừa để trợ giúp đồng bào, cũng là mong dịch bệnh dẹp yên trên đất nước mình.
Đoàn y, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai lên đường vào Nam chống dịch |
Đến khi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, trái tim đồng bào cả nước, đồng bào ở nước ngoài đều hướng về nơi này bằng những hành động thiết thực nhất. Cần người có người, cần nhu yếu phẩm có nhu yếu phẩm, cần thuốc men, trang thiết bị y tế… cả nước cũng đều hỗ trợ.
Mặc dù, mất mát đau thương là không tránh khỏi nhưng biết bao giọt nước mắt đã rơi xuống vì cảm động, vì được tiếp thêm sức mạnh, sự ấm áp về tình người, về văn hóa con người trong khó khăn, hoạn nạn.
Rồi mai đây, khi dịch bệnh qua đi, những nỗi đau rồi cũng dần chữa lành nhưng chắc chắn sẽ còn mãi đó bài ca về tình người, về sự nhân văn cao cả của “người trong một nước phải thương nhau cùng” mà chúng ta đã cùng nhau trải qua, cùng nhau viết nên trong giai đoạn lịch sử này. Một lần nữa, truyền thống của dân tộc ta được phát huy, được tiếp nối và phát triển.
Văn hóa vẫn là ngọn đèn trên cao, ấm áp và tỏa sáng soi đường cho quốc dân đồng bào Việt Nam đi đúng đường. Đó là một trong những niềm tự hào và cũng là một trong những động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên dù đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Là Thủ đô của cả nước, “Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng” mà đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đọc tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong đó, 6 vấn đề mà đồng chí nêu ra đã khái quát được toàn bộ mạch nguồn văn hóa Thủ đô.
Một là, nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của thành phố. Hai là, định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Đồng thời, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, tạo cơ chế thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Ba là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình.
Bốn là, tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Sáu là, phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; Những “thương hiệu” quốc tế được vinh danh: “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; Cùng với tinh thần chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, quảng bá và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao có uy tín trong nước và quốc tế.
Những chuyến xe bus 0 đồng mang nhu yếu phẩm đến hỗ trợ người dân chống dịch |
Phát huy vai trò đầu tàu văn hóa của cả nước, đặc biệt, trong hai năm qua, mặc dù dịch bệnh nhiều lần tấn công, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã biến thử thách thành thời cơ để tạo thành một “vũ khí” mềm nhưng vô cùng quyết liệt. Đó chính là văn hóa người Hà Nội trong đại dịch. Tiếp nối, kế thừa truyền thống nhân văn, đoàn kết của dân tộc và ngàn năm Thăng Long, người Hà Nội vừa tích cực chống giặc vừa lan tỏa tình nghĩa đồng bào đến với cả nước.
Đặc biệt, văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, văn hóa tương thân tương ái được đẩy lên một tầm cao mới. Công chức, viên chức tuân thủ triệt để quy định về phòng chống dịch, làm việc hiệu quả, không còn tình trạng lãng phí thời gian, không gian vào những việc bên lề. Dù làm việc tại công sở hay làm việc online tại nhà, thước đo công việc vẫn là ý thức tự giác được đặt lên hàng đầu.
Trong khi đó, cùng với việc “rút về” hoạt động trong không gian nhỏ để tránh tiếp xúc, hình thành nên thói quen mới sau đại dịch, những vấn đề nổi cộm của hành vi lệch chuẩn nơi công cộng đã được người dân Hà Nội điều chỉnh dần, chú trọng đến thực chất hơn, không khoa trương, ảnh hưởng đến người xung quanh nhiều nữa.
Như vậy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhà nước ta về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị, được người Hà Nội cùng cả nước tiếp tục vận dụng, thực hiện để như một kim chỉ nam sáng suốt chuẩn mực cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tin rằng, với nền tảng ấy, với bản lĩnh được tôi rèn qua thực tiễn ấy, chúng ta sẽ biến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thành những hành động cụ thể để đạt được kết quả cao nhất.