Khai mạc trọng thể Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành cả nước.
Dự và chỉ đạo hội nghị có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng... cùng 600 đại biểu gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Các Bộ, ngành; Văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội...
Quang cảnh hội nghị |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh dự tại điểm cầu Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Đại diện các ban, Sở, ngành TP.
Theo chương trình dự kiến, trong sáng 24/11, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu trước khi đại diện của TP Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, An Giang cùng đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu chỉ đạo.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội |
Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ báo cáo việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ phát biểu kết luận.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa. Sau khi nhìn lại những thành tựu, tồn tại qua 35 năm đổi mới. Các cơ quan sẽ rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó "xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trọng tâm chính là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường".
Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng khẳng định ba nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa".
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa. Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho Nhân dân. Người khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau đó là: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa...
(Tiếp tục cập nhật...)