Vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy
Vừa qua, Công an huyện Thanh Trì và UBND xã Ngọc Hồi phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại Đội 9 - thôn Ngọc Hồi. Đây là khu dân cư có nhiều nhà trọ và các ngôi nhà được xây dựng kiên cố, dạng kiến trúc nhà ống liền kề, ngõ sâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao.
Lực lượng, phương tiện chữa cháy tham gia thực tập phương án PCCC và CNCH tại Thanh Trì |
Tình huống giả định là: Do xe máy rò rỉ xăng, chập điện gây cháy ở khu vực tầng 1 của một ngôi nhà cho thuê trọ, bức xạ nhiệt từ đám cháy lớn, khói lửa lan ra các khu vực xung quanh.
Ngay sau khi xảy ra sự cố cháy, người dân đã hô hoán cho mọi người biết; Đội Phòng cháy chữa cháy cơ sở nhanh chóng tiếp cận, sử dụng bình chữa cháy xách tay để tổ chức công tác chữa cháy ban đầu, đồng thời gọi đến tổng đài 114, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội để xin hỗ trợ từ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Tổ liên gia an toàn PCCC cơ sở tận dụng thời điểm vàng chữa cháy, cứu người, cứu tài sản |
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thanh Trì đã triển khai 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt, trinh sát đám cháy, tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy trình, chiến thuật, kỹ thuật đã đề ra.
Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, sau thời gian ngắn, đám cháy đã được các lực lượng phối hợp khống chế và dập tắt hoàn toàn; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản hiệu quả.
Buổi thực tập diễn ra thành công, an toàn và đảm bảo yêu cầu đề ra với sự tham gia của đông người dân đang cư trú, thuê trọ tại đây, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa thông điệp tuyên truyền “Mọi người dân phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn về PCCC”.
Thực tập phương án PCCC và CNCH với các tình huống sát thực tế |
Qua thực tập phương án, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khả năng sẵn sàng xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra của chính quyền địa phương, người dân, lực lượng dân phòng trên địa bàn.
Đồng thời điều này cũng nâng cao khả năng sẵn sàng phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả của các lực lượng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, vận dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Đó là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ” trong công tác phòng cháy chữa cháy, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.