Vẫn còn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân
Toàn cảnh điểm cầu thành phố Hà Nội tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ
Bài liên quan
Tăng cường thanh tra việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ
Xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp
Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Điểm cầu thành phố Hà Nội đặt tại trụ sở UBND thành phố có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các sở, ban, ngành và cán bộ ngành Nội vụ thành phố.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng chủ trì hội nghị. |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tĩnh cho biết, hội nghị sẽ tập trung đánh giá lại chất lượng tham mưu trên tất cả các lĩnh vực; đánh giá đề xuất, giải pháp và củng cố nâng cao hiệu quả giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương, làm rõ việc phân cấp ủy quyền của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và phân tích những nguyên nhân khách quan để tháo g.ỡ
Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của ngành Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, năm 2019, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Nội vụ đã đề ra phương châm hành động là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin”. Toàn ngành đã chủ động, tập trung, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiệu quả vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...
Bộ đã chủ trì, xây dựng trình cấp có thẩm quyền: 7 Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1 Nghị quyết và 5 Nghị định của Chính phủ; 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hiện đang trình Chính phủ 8 dự thảo Nghị định. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư.
Đến ngày 25/12, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số của 42/45 địa phương, đã tổ chức thẩm định hồ sơ đề án của 40 địa phương; đã trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 21 địa phương; dự kiến sau khi sắp xếp giảm 6/713 ĐVHC cấp huyện và 560/11.160 ĐVHC cấp xã…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng thể chế, chính sách vẫn còn một số văn bản chưa phù hợp, thiếu tính khả thi; tiến độ xây dựng còn chậm, chất lượng chưa cao; vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các văn bản, đề án.
Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương thực hiện thí điểm chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất; thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn vướng mắc, bất cập chưa được hướng dẫn cụ thể, kịp thời; giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn khó khăn.
Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận. Một số cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, vẫn còn có những biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu.
Công tác phối hợp giữa bộ, ngành và các địa phương trong giải quyết công việc chưa tốt; công tác tham mưu, nắm tình hình, xử lý thông tin chưa chủ động, kịp thời, đặc biệt là liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo còn gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tôn giáo thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật thiếu tính thống nhất.
Ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, những hạn chế của ngành có những nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có nguyên nhân về kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ một số nơi còn nể nang, chưa nghiêm túc; ý thức trách nhiệm và kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; năng lực nghiên cứu, đề xuất, tham mưu chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; phối hợp xử lý công việc còn chậm.