Ứng xử khi tham gia giao thông - một phút nóng nảy, một đời hối tiếc
Thiếu kiềm chế sau va chạm giao thông khiến người chết, kẻ vào tù Quảng Nam: Va chạm giao thông một người tử vong thương tâm 2 đối tượng “dàn cảnh” va chạm giao thông để trộm cắp tài sản |
Hành hung người khác chỉ vì va chạm nhỏ
Gần đây, hiện tượng côn đồ trên đường phố diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Mới đây nhất, ngày 1/1/2025, Công an Quận 1, TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Văn Dũng (56 tuổi) và Bùi Thị Ngọc Anh (54 tuổi, cùng trú tại Quận 1) để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Công an lấy lời khai của Bùi Thị Ngọc Anh |
Trước đó, khoảng 23h30 ngày 31/12/2024, anh T.A.P (30 tuổi; thường trú tại tỉnh Lâm Đồng) điều khiển xe chở vợ là chị H.N.L (28 tuổi, thường trú tại tỉnh Trà Vinh) lưu thông trên đường Lê Duẩn (hướng Thảo Cầm Viên về Dinh Thống Nhất). Khi anh P điều khiển xe đến trước địa chỉ số 2B Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) thì bị Nguyễn Văn Dũng điều khiển xe mô tô chở Bùi Thị Ngọc Anh cố tình cản đường, không cho quay đầu xe, dẫn đến cự cãi giữa 2 bên.
Sau khi cãi vã, đối tượng Nguyễn Văn Dũng đã tấn công, đánh anh P và chị L. Khi anh H.H.V (30 tuổi; trú tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đến can ngăn thì bị Dũng và Ngọc Anh quay sang tấn công, rồi tiếp tục quay lại đánh anh P và chị L. Sự việc đó được người dân quay clip lại, sau đó đăng tải lên mạng xã hội.
Nhận được tin báo, Công an Quận 1 đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an phường Bến Nghé khẩn trương rà soát, truy xét và mời làm việc những người có liên quan. Đến 9 giờ ngày 1/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Quận 1 đã đưa hai vợ chồng Dũng và Ngọc Anh về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, Dũng và Ngọc Anh đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Quận 1 đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Động thái vào cuộc xử lý nhanh chóng của cơ quan chức năng cho thấy tính chất nghiêm minh của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Thực tế thời gian qua đã có không ít vụ va chạm giao thông dù rất nhỏ nhưng do thiếu kiềm chế, thay vì thương lượng, một số người chọn cách giải quyết bằng “tay chân, gậy gộc”.
Trong thời gian ngắn, riêng tại TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ hành xử có tính chất côn đồ xảy ra trên đường phố đông người. Trước đó, ngày 18/12/2024, Công an Quận 1 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ Quận 6) về tội “Cố ý gây thương tích”. Đối tượng Nhựt đã hành hung dã man người đàn ông điều khiển xe máy chở con gái đi học ở trước Bệnh viện Từ Dũ, đường Cống Quỳnh. Nguyên nhân chỉ vì người này nhắc nhở Nhựt khi điều khiển ô tô trên đường.
Hành xử côn đồ trên đường, Quách Minh Nhựt bị khởi tố, bắt tạm giam |
Tương tự, ngày 13/12/2024, Công an quận 4 (TP Hồ Chí Minh) cũng bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa (trú tại huyện Nhà Bè) vì vô cớ đá, đánh tới tấp một cô gái sau va quẹt nhỏ khi chạy cùng chiều trên đường Nguyễn Tất Thành… Trong các vụ việc này, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện các bước cần thiết để nghiêm trị những đối tượng hung hãn và coi thường pháp luật.
Nghiêm trị côn đồ để thượng tôn pháp luật
Nguyên nhân dẫn đến hành vi côn đồ khi xảy ra va chạm giao thông là do thiếu kiểm soát cảm xúc, thiếu ý thức và văn hóa tham gia giao thông. Trước áp lực, căng thẳng trong cuộc sống (như lời khai của Bùi Thành Khoa) và việc thiếu kiểm soát khi có va chạm, nhiều người mất bình tĩnh, để cảm xúc tức giận chi phối. Sự tức giận đó dẫn đến các hành vi bạo lực, gây ra xung đột không đáng có.
Ngoài ra còn có tình trạng người tham gia giao thông không có ý thức tuân thủ quy định pháp luật, không tôn trọng người khác, dẫn đến những hành vi ngang ngược, ứng xử thiếu văn minh và vi phạm pháp luật.
Báo động tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết va chạm giao thông trên đường (Ảnh: TL) |
Một điều tra viên phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh phân tích, các vụ việc xảy ra trên đường phố thời gian qua đều thể hiện tính chất, hành vi côn đồ, hung hãn nên cần bắt khẩn cấp, khởi tố ngay để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; không chờ kết quả giám định thương tích của nạn nhân như trong các vụ án “cố ý gây thương tích” khác. Đó là sự cần thiết để răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Qua các vụ án này, mỗi người dân khi hành xử cần phải suy xét về hậu quả mà chính mình cũng như người thân phải gánh chịu.
Khi xảy ra va chạm giao thông, chúng ta cần cố gắng không để cảm xúc tiêu cực chi phối hành động. Về giải quyết hậu quả vụ va chạm, nếu hai bên không thỏa thuận được thì cần liên hệ với cơ quan chức năng để được xử lý một cách công bằng và hiệu quả.
Để văn hóa giao thông ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người khi tham gia giao thông, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định về an toàn giao thông đến người dân; các tổ dân phố, thôn, xóm; đưa vào giảng dạy trong trường học.
Chính quyền các vùng nông thôn cần huy động lực lượng thanh tra giao thông kiểm soát thường xuyên tuyến tỉnh lộ, liên thôn, liên xóm; hạn chế vi phạm pháp luật về giao thông ở vùng nông thôn. Cơ quan thực thi pháp luật cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm luật và những trường hợp do va chạm, tai nạn giao thông mà hành hung người khác.
Tôn trọng người khác và tuân thủ các quy tắc giao thông, tránh tranh cãi, đổ lỗi hay sử dụng bạo lực là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự. Điều đó không chỉ giúp giải quyết tình huống xung đột một cách ôn hòa mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện.