Tụ tập hát karaoke có thể "đạp đổ" công tác phòng, chống dịch
Gần đây nhất, khoảng 22h30, ngày 21/7, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý, Công an huyện Ứng Hòa phối hợp với Công an xã Liên Bạt tiến hành kiểm tra hành chính quán karaoke ở thôn Bặt Trung, xa Liên Bạt.
Các "nam thanh, nữ tú" tụ tập hát karaoke bị lực lượng chức năng huyện Ứng Hòa bắt quả tang |
Quá trình kiểm tra, Tổ công tác phát hiện hai phòng hát đang hoạt động, bên trong có 15 thanh niên (13 nam, 2 nữ) tụ tập hát karaoke, vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Tổ công tác đã lập biên bản và đưa các đối tượng về trụ sở để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, khoảng 21h, ngày 9/7, qua công tác nắm địa bàn, các Đội nghiệp vụ thuộc Công an quận Đống Đa phối hợp với lực lượng chức năng phường Trung Tự kiểm tra số nhà 82 Phạm Ngọc Thạch, phát hiện có 27 người gồm cả nam và nữ đang tụ tập hát karaoke, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19 của UBND TP Hà Nội.
Thậm chí, trên địa bàn Hà Nội còn có những quán karaoke đã từng bị xử phạt nặng về hành vi tổ chức tụ tập hát karaoke nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Điển hình ngày 15/5, Công an phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) phát hiện nhà hàng Itaewon (có địa chỉ D14, Lô A10 Khu đô thị Nam Trung Yên) tổ chức cho khách hát karaoke giữa mùa dịch.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tổng cộng bên trong các phòng hát karaoke của nhà hàng này đang có khoảng 35 khách.
Trước đó, ngày 5/5, nhà hàng Itaewon cũng từng tổ chức cho khách hát karaoke. Khi làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động của cơ sở. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt lần 1 đối với cơ sở này số tiền 39 triệu đồng.
Lý giải về hành vi tổ chức kinh doanh, tập trung đông người giữa mùa dịch, nhiều chủ quán karaoke, nhà hàng phân trần là “vì miếng cơm, manh áo”. Tuy nhiên, lý do này khó có thể thông cảm được. Bởi không có cá nhân hay tập thể nào được "đặc cách" trong giai đoạn cả nước phải chấp nhận hạn chế việc đi lại, kinh doanh… Dẫu biết như vậy sẽ có những người sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày nhưng chỉ vì "miếng cơm" của một vài cá nhân mà có thể "xóa tan" nỗ lực của cả tập thể thì cái giá phải trả có khi đắt gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, nếu không có nhu cầu của "thượng đế" thì liệu quán karaoke có bất chấp hoạt động giữa mùa dịch hay không? Nếu chủ quán hám lợi đáng trách 10 thì những vị khách ham vui cũng đáng trách không kém.
Hát karaoke vẫn được xem là thú vui giải trí, không phải là nhu cầu thiết yếu của con người hằng ngày. Vậy tại sao khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch Covid-19, họ lại sẵn sàng biết sai mà vẫn cố vi phạm để tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hậu quả khôn lường? Còn một bộ phận người trẻ, vì những ngày "rảnh rỗi" không phải đến trường lớp mà tụ tập, thờ ơ với những nỗ lực của biết bao người xung quanh liệu có đáng hay không?
Điều đáng ngại là những người vi phạm pháp luật đã nhận mức phạt từ nặng đến nhẹ, thậm chí cả án tù nhưng vẫn tái diễn. Điều này phải chăng là họ thiếu ý thức, chủ quan hoặc ích kỉ, chỉ quan tâm đến thói quen, thú vui của mình?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp trên cả nước, hằng ngày cả nước ghi nhận hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ca bệnh mới, thì việc cần làm ngay lúc này là mỗi người dân hãy tự "yêu" bản thân, giữ gìn sức khỏe cho chính mình và mọi người. Lùi một bước để tiến ba bước, nếu bây giờ chúng ta biết tiết chế lại bản thân, kìm hãm những "thú vui không cần thiết" thì cũng chính là cách để chung tay cùng cả nước chống dịch. Còn ngược lại, chỉ vì những hành vi vi phạm pháp luật thì thành quả chung đó có thể sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển bất cứ lúc nào.
Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có Công văn số 45 hướng dẫn về xử lý một số tội phạm trong phòng chống dịch bệnh như sau: “Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295, Bộ luật Hình sự”. |