Truyền thống văn hóa hào hùng giúp dân tộc vững vàng, lớn mạnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị |
Sự phát triển toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Về thể chế chính sách, ngành đã tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đồng thời, đã trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định và 2 Quy hoạch quan trọng về hệ thống du lịch và mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị |
Về văn hóa, nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh như "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm thực hiện.
Về thể thao, Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (482 Huy chương Vàng, 360 Huy chương Bạc, 372 Huy chương Đồng), đặc biệt có 16 vận động viên/11 môn giành suất tham dự Olympic Paris. Lần đầu tiên đội tuyển Futsal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á và đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu giành Huy chương Đồng thế giới.
Về du lịch, ngành đã đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 38,9% so với 2023), 110 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,6%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840 nghìn tỷ đồng (tăng 23,8%).
Về hợp tác quốc tế, ngành đã ký kết 11 văn bản hợp tác quốc tế, xây dựng 14 kế hoạch và 9 đề án triển khai hoạt động đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Những kết quả trên cho thấy ngành đã có sự phát triển toàn diện, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Nhìn chung, năm 2024 đã đánh dấu sự phát triển toàn diện của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiều kết quả ấn tượng. Những thành tựu này không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong những năm tiếp theo.
Năm 2025, từ những đột phá kiến tạo không gian phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, trong kỷ nguyên vươn mình của toàn dân tộc, toàn nghành kỳ vọng sẽ có những bước tiến mới, góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm tới và giai đoạn 2021 - 2025.
Nghĩ sâu, làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2024, ngành VHTTDL đã có nhiều điểm sáng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Điểm lại lịch sử dựng xây và phát triển của dân tộc, Thủ tướng đánh giá để dân tộc ta vững vàng, ngày càng lớn mạnh là do chúng ta có truyền thống văn hóa hào hùng.
Chính truyền thống văn hóa, được xem là sức mạnh nội sinh của dân tộc đã giúp đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Gần đây nhất, dù cơn bão số 3 rất khắc nghiệt nhưng chúng ta đã khắc phục được hậu quả, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hoạt động đối ngoại mang lại nhiều hiệu quả...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của toàn ngành cho sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng đánh giá trong năm qua các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ có nhiều điểm sáng, nhất là điểm sáng trong việc tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy, từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa để khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, đúng như tinh thần: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi...
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là điểm nghẽn của điểm nghẽn, đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chấm dứt tình trạng xin - cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đột phá, đổi mới cũng phải rõ hướng.
"Năm 2025, ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn phải gắn với văn hoá, thể dục, thể thao. Muốn vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt", Thủ tướng chỉ đạo.
Đại biểu tham dự hội nghị |
Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khoẻ cho người dân; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Vì vậy, ngành VHTTDL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy những điểm sáng, truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào.