Truyền lửa Ba sẵn sàng đến thế hệ sau
Phong trào “Ba sẵn sàng”: Thiên anh hùng ca của tuổi trẻ |
Nhà có năm anh chị em, anh trai đi bộ đội, bố công tác xa, các em còn nhỏ nên chàng thanh niên Quý Chùy là lao động chính phụ giúp mẹ. Năm 1964, chàng trai Hà thành học xong phổ thông về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm đó cũng là năm Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào Ba sẵn sàng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thành đoàn, thanh niên Thủ đô sục sôi khí thế lên đường vào miền Nam chiến đấu, chàng thanh niên Quý Chùy viết đơn tình nguyện lên đường giết giặc nhưng bị từ chối.
"Bạn bè đi chiến đấu hết, mỗi mình không được đi nên tôi ấm ức lắm. Lúc đó chỉ mong làm bất cứ công việc gì cũng được miễn là được vào chiến trường chiến đấu. Vì vậy, năm 1965 Thành đoàn hà Nội tổ chức Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Hà Nội tôi đã lập tức nộp đơn tham gia dù mẹ khóc không muốn tôi đi" - ông Chùy nhớ lại.
Ông Chùy cùng hơn 200 đội viên thanh niên xung phong khu phố Hai Bà Trưng được biên vào đại đội 816. Cả đại đội toàn con em nội thành "chân yếu tay mềm" thế mà ngay khi nhận nhiệm vụ họ chỉ có 3 ngày để học tập, ổn định quân ngũ, tiếp nhận quân trang rồi hối hả lên đường ra tiền tuyến. Thử thách đầu tiên họ phải vượt qua là nỗi nhớ Hà Nội, là chặng đường hành quân bộ 12 ngày đêm, vai đeo nặng ba lô, quân trang, cuốc xẻng, bao gạo...
Tuổi trẻ quận Hoàng Mai trao tặng sổ tiết kiệm tới ông Dương Quý Chùy |
"Chân phồng, vai rộp, tim thót lại khi vượt qua những điểm pháo sáng rực trời, khét lẹt mùi bom đạn vừa nổ nhưng rồi chúng tôi đã đến đích. Trong 4 năm ở tuyến lửa khu bốn, chúng tôi mở đường và đảm bảo giao thông các tuyến đường chiến lược 15, 21, 22, 22b và đường 20 quyết thắng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong điều kiện giặc Mỹ đánh phá dữ dội mọi lúc mọi nơi cả đêm lẫn ngày. Hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với gian khó, hiểm nguy sống trong rừng khí hậu ẩm thấp, muỗi, vắt nhiều, mọi thứ đều thiếu thốn, ghẻ lở hắc lào sốt rét, nữ mắc bệnh phụ khoa, rụng tóc", ông Chùy chia sẻ.
Chính nơi gian khổ đó, ông được gặp bà Lan. Hai người cùng ở khu phố Hai Bà Trưng nhưng khi đi thanh niên xung phong mới biết nhau. "Ngày đó, Lan xinh lắm lại phá bom cừ nhất, nhì đại đội. Cô ấy là niềm mơ ước của nhiều chàng trai. Còn tôi chỉ là một anh tiểu đội trưởng đội ba, không đẹp trai chỉ được cái vui tính. Một lần, tôi bị sốt được cô ấy ở bên tận tình chăm sóc. Có lẽ cả hai cảm mến nhau từ đó nên những đại đội liên hoan tôi luôn được nàng ngồi bên chăm sóc, gắp cho rất nhiều thức ăn", ông Chùy kể.
Cả hai "tình trong như đã..." nhưng vẫn giữ kỉ luật của đội, không thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Năm 1967 ông Chùy rời đơn vị đi bộ đội, bà Lan vào đội xung kích Thăng Long mở đường taị Quảng Bình. Mọi nỗi nhớ nhung hai người dồn cả vào những cánh thư. Vì Tổ quốc, cả hai động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ đợi chiến thắng trở về.
Năm 1969, bà Lan xuất ngũ trở về làm việc tại thư viện Hà Nội nhưng vẫn một lòng thủy chung chờ đợi ông Chùy. Năm 1971, ông Chùy xuất ngũ trở về, hai người gặp lại nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ. Họ đã quyết định tổ chức đám cưới ngay trong năm. Một đám cưới nhỏ nhưng ấm cũng với sự bao bọc, tình cảm chân thành của gia đình và đồng đội.
Từ đó đến giờ trong căn nhà nhỏ của ông bà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Ông bà lần lượt chào đón 3 người con xinh xắn đáng yêu và 4 đứa cháu thông minh. Những phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ được ông bà truyền dạy con cháu. Ông bà hằng ngày gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của tổ dân phố và truyền lửa Ba sẵn sàng đến thế hệ sau.