Trung Quốc khôi phục xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai
Trung Quốc thí điểm nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai Trung Quốc lại dừng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai |
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, qua trao đổi với Ban Quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc), sau khi khắc phục sự cố dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành khôi phục trở lại từ 16h ngày 5/7.
Để kịp thời tháo gỡ đối với hàng hóa là nông sản tươi sống, phía Hà Khẩu - Trung Quốc, Ban Quản lý cửa khẩu đã thống nhất kéo dài thời gian thông quan đến 22h ngày 5/7 (giờ Hà Nội).
Các ngành tham gia quản lý cửa khẩu bố trí lực lượng giải quyết thủ tục đối với phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu (kể cả xe thùng rỗng) qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Lào Cai. (Ảnh: Ban QLKKT Lào Cai) |
Trước đó, ngày 4/7, hoạt động thông quan buộc tạm dừng do phía Hà Khẩu - Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2. Tại cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành sẽ lắp đặt máy xét nghiệm PCR để kiểm tra hàng hoá trước khi xuất khẩu nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đạt hơn 509 triệu USD, giảm trên 87% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu cũng giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,64 tỷ USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt 4,15 tỷ USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo lý giải, nguyên nhân khiến thương mại hai chiều qua biên giới với Trung Quốc giảm mạnh là do nước bạn tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm hàng hoá ùn tắc tại cửa khẩu kéo dài.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics cho xuất nhập khẩu hàng hoá của một số tỉnh biên giới còn thiếu, yếu; cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ưng được yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với Trung Quốc.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu tiểu ngạch (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc…