Trong "chớp nhoáng", DIC Corp từ tổng công ty Nhà nước về tay tư nhân
Thanh tra việc cổ phần hóa tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC Thanh tra Chính phủ "gọi tên": Lãnh đạo DIC Corp nói gì? |
Thanh tra việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp
Ngày 27/2 vừa qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC (DIC Corp).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 341, ngày 3/2/2023 của Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTCP về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC.
Theo Quyết định số 49/QĐ- TTCP, Đoàn Thanh tra gồm 9 thành viên do ông Nguyễn Đức Hương, Phó Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực III (Cục III) làm Trưởng đoàn có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển DIC.
Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn yêu cầu đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phân công cán bộ hợp lý, tránh làm ảnh hướng đến hoạt động bình thường của đơn vị; Làm việc một cách minh bạch, công khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung được phê duyệt, đảm bảo đúng thời gian và nguyên tắc, tổ chức hoạt động đoàn thanh tra.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu; Đồng thời, cử cán bộ làm đầu mối, phối hợp làm việc với Đoàn thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi giúp đoàn làm việc hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp (Nguồn ảnh: Internet) |
Ngay khi xuất hiện thông tin này, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã có thư gửi cổ đông, khẳng định, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty là đúng quy định pháp luật và đã được thanh tra, kiểm toán nhiều lần trước đó.
Theo lãnh đạo DIC Corp, các nội dung liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm toán… và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn, tham gia ý kiến cũng như điều tra của cơ quan công an kết luận thực hiện theo đúng quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC Corp mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát. Đây là hoạt động thường kỳ của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Bán nửa công ty trong chớp nhoáng vài phút
Lãnh đạo DIC Corp đã lên tiếng khẳng định quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để rõ đúng sai, cần phải chờ thêm kết luận của Thanh tra Chính phủ trong đợt thanh tra mới nhất này.
Để có những góc nhìn tổng quan hơn, ở bài viết này, phóng viên sẽ thông tin thêm về quá trình từ doanh nghiệp Nhà nước thành tư nhân, kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng có lịch sử thành lập từ năm 1990, tiền thân là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng. Vào đầu năm 2001, DIC Corp chính thức được thành lập và sang năm 2002 hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Với lợi thế là doanh nghiệp của Bộ Xây dựng, DIC Corp sở hữu quỹ đất rất lớn, trải dài từ Nam ra Bắc gồm: Đồng Nai, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, đặc biệt là Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi doanh nghiệp này đóng trụ sở.
Ông Nguyễn Thiện Tuấn có 2 người con là ông Nguyễn Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, hiện đều là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của DIC Corp (Nguồn ảnh: DIC) |
Năm 2008, DIC Corp được chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 370 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng chiếm chi phối (65,06%), cổ đông chiến lược Vina Capital (7,84%), bán ưu đãi người lao động 2,91% và bán đấu giá công khai 24,19%.
Thời điểm này, ông Tuấn đại diện phần vốn Nhà nước, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc DIC Corp nắm giữ hơn 19,5 triệu cổ phần, tương đương 32,5% vốn của công ty nhưng cá nhân ông chỉ sở hữu 4.702 cổ phần.
Đến đầu năm 2009, DIC Corp tăng vốn lên 600 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 19/8/2009, 60 triệu cổ phiếu DIC Corp lên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã DIG và trở thành hiện tượng của thị trường lúc đó.
Đáng chú ý, kể từ khi niêm yết, DIC Corp liên tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn. Cụ thể, cuối năm 2009, DIC Corp thực hiện phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần cho 25 nhà đầu tư cá nhân/tổ chức để tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng, giá phát hành là 100.000 đồng/đơn vị.
Nếu tính theo mức giá này, 39 triệu cổ phần vốn Nhà nước trong DIC Corp vào thời điểm đó có giá trị lên tới 3.900 tỷ đồng. Trong trường hợp đấu giá trọn lô, số tiền thu về có thể sẽ còn cao hơn nhiều. Với nghiệp vụ phát hành riêng lẻ này đã làm giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước từ mức có quyền phủ quyết chi phối 65% về chỉ còn 55,7%.
Tiếp theo, vào tháng 8/2015, DIC Corp chào bán riêng lẻ 19,9 triệu cổ phiếu, trong đó phát hành 15 triệu cổ phiếu cho Vietnam Enterprise Investments Limited (một quỹ của Dragon Capital) và phát hành 4,9 triệu cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân với giá chào bán 10.600 đồng/cổ phiếu. Sau nghiệp vụ này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng tiếp tục giảm về 51,04%.
Hơn một năm sau, tức vào tháng 12/2016, DIC Corp tiếp tục phát hành riêng lẻ 6,5 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, phần lớn trong số đó (5 triệu đơn vị) bán cho chính ông Tuấn. Kết quả, tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DIC Corp tiếp tục giảm về còn 49,6% và lúc này Nhà nước (đại diện là Bộ Xây dựng) không còn là cổ đông chi phối tại doanh nghiệp này nữa.
Một năm sau, tháng 11/2017, khi không còn sở hữu chi phối DIC Corp, Bộ Xây dựng thoái hết 118,3 triệu cổ phần DIG bằng phương thức bán khớp lệnh trên sàn chứng khoán, qua đó chính thức chuyển từ công ty Nhà nước sang công ty tư nhân.
Đáng chú ý, phiên thoái vốn gây sốt thị trường chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ vì chủ yếu diễn ra trong phiên ATC (mua hoặc bán sẵn sàng chấp nhận mọi mức giá trong phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ đóng cửa, diễn ra trong 15 phút cuối cùng) ngày 28/11/2017 khi chỉ trong 2 phút cuối giờ giao dịch, khoảng 121,7 triệu cổ phiếu DIG được khớp lệnh với giá chủ yếu 19.250 đồng/cổ phiếu. Nếu tính cả phiên hôm đó, có tới 128,4 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, phần lớn ở mức giá trần, với tổng giá trị 2.468 tỷ đồng.
Nếu tính theo giá khớp lệnh trên sàn, Bộ Xây dựng thu về khoảng 2.274 tỷ đồng. Như vậy, cộng cả khoảng 350 tỷ đồng cổ tức tiền mặt được chia trong giai đoạn 2009 - 2017, Bộ Xây dựng thu về khoảng 2.624 tỷ đồng từ DIC Corp, thấp hơn nhiều nếu so với mức định giá 65% vốn Nhà nước tính theo giá phát hành riêng lẻ năm 2009 (3.900 tỷ đồng).
Có thể thấy, việc liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước, rồi thoái vốn Nhà nước ngay sau đó đặt ra nhiều dấu hỏi về tính hiệu quả cho cổ đông Nhà nước. Bởi, nếu Bộ Xây dựng thực hiện thoái trọn lô chi phối 55,7% cổ phần, hoặc thậm chí 51,04% cổ phần trong giai đoạn 2015 - 2016, có thể bằng đấu giá hoặc bán trên sàn, số tiền mà ngân sách thu về có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong khi Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu và bán sạch vốn, thì cá nhân ông Tuấn và những người thân trong gia đình ông lại tăng tỷ lệ sở hữu tại DIC Corp. Không những vậy, người nhà của ông Tuấn cũng vừa là cổ đông lớn, vừa nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại công ty.
Tại thời điểm 31/12/2022, ông Tuấn sở hữu hơn 46,8 triệu cổ phiếu DIG, tỷ lệ 7,68% vốn điều lệ, bà Lê Thị Hà Thành là vợ của ông Tuấn hiện đang là cổ đông của DIC Corp, sở hữu hơn 970 nghìn cổ phiếu. Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Cường (con trai ông Tuấn) - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị đang nắm giữ hơn 53,9 triệu cổ phiếu, tương đương 8,85% vốn của công ty. Con gái của ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền hiện cũng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đang sở hữu hơn 18 triệu cổ phiếu, tương đương 2,98% vốn.
Ngoài ra, ông Diệp Quang Tú (con rể ông Tuấn) cũng đang nắm hơn 673.000 cổ phiếu DIG, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (em gái ông Tuấn) sở hữu 17.763 cổ phiếu DIG, bà Hà Thị Thanh Châu (em dâu ông Tuấn) cũng sở hữu 339.151 cổ phiếu DIG, cả em rể ông Tuấn là Vũ Thanh Bình cũng đang sở hữu cổ phiếu tại DIC Corp.