Triển vọng mới về hướng phát triển nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu thị trường
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao
Trong những năm qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển, cùng với đó chuyển đổi các HTX theo luật, hoàn thành dồn ô đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình trong liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.
Tận dụng lợi thế của địa phương cùng với những chính sách ưu đãi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Xuân Huy, một người con của địa phương đã mạnh dạn huy động thành viên góp vốn, thuê đất của các hộ dân để thành lập HTX Nông nghiệp Thanh Bình và triển khai Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hằng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao” trên tổng diện tích chuyển đổi hơn 7.300m2. Bắt tay vào thực hiện dự án, HTX thiết kế xây dựng hơn 3.000m2 nhà lưới, nhà màng tổng mức đầu tư trên 1,7 tỷ đồng.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Bình Nguyễn Xuân Huy bên mô hình dưa lưới |
Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Bình cho biết, toàn bộ khu đất HTX đang triển khai trước kia là đất trồng hai vụ lúa nhưng hiệu quả kinh tế thấp nên nông dân bỏ hoang hóa nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất.
Sau hơn một năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa gồm hai giống dưa Ichiba (Nhật Bản) và dưa Thiên Nữ (Đài Loan), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả được thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp, phía trên phủ lớp màng dày. Quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dung công nghệ tiên tiến để luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm phòng ngừa sâu bệnh hại, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng, mở tùy điều kiện thời tiết.
Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dẫn dinh dưỡng, thông gió, phun sương phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Tuy mức đầu tư chi phí ban đầu lớn, song khả năng thu hồi vốn nhanh. Hạch toán cho thấy, doanh thu mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận khoảng 25,4% so với mức đầu tư ban đầu”, anh Huy chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh - sạch
Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị thương phẩm so với canh tác dưa theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, vòng đời sinh trưởng cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch chỉ vào khoảng 70 - 75 ngày, nên trong một năm có thể trồng 3 - 4 vụ.
Trọng lượng quả bình quân 1,5kg, tổng năng suất đạt 15 tấn dưa, giá bán thị trường hiện nay từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg. Trồng dưa lưới trong nhà màng, có ứng dụng công nghệ cao, hơn hẳn mọi mặt về chất lượng, mẫu mã, giá trị thương phẩm cao gấp 3 lần so với cách thức trồng dưa thông thường mà người nông dân hiện nay đang áp dụng trên đồng ruộng.
Hiện nay, nhu cầu về các mặt hàng nông sản sạch, rõ nguồn gốc ngày càng tăng nên sản phẩm dưa của HTX Nông nghiệp Thanh Bình được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng. Trong khi nhiều loại nông sản đang gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sản phẩm của HTX vẫn tiêu thụ thuận lợi qua bán hàng online, thậm chí nhiều thời điểm không đủ sản phẩm để cung ứng cho khách hàng.
Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp Thanh bình đang được tiêu thụ thuận lợi qua kênh bán hàng onlin |
Nói về định hướng phát triển sản xuất trong tương lai, anh Nguyễn Xuân Huy cho biết, cùng với phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, HTX đang đầu tư theo hướng kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp sinh thái với mục đích lan tỏa sự gắn kết của con người với thiên nhiên; hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh vì chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đánh giá: Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ đang ngày càng nở rộ tại các địa phương. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái...
Trước đây, việc nhân rộng mô hình sản xuất sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do hạn chế về nguồn vốn, quy trình canh tác lại khắt khe với yêu cầu không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón vô cơ... Vì vậy, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ thực sự là hướng tích cực để nông nghiệp Hà Nội mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng...
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |