Triển lãm "Đông" của 5 họa sĩ: Vương Linh, Hán Anh, Phạm Xuân Quỳnh, Đoàn Tùng, Nguyễn Mạnh Hùng
“24 giờ trên phố” - triển lãm phản ánh câu chuyện mưu sinh và những khó khăn của trẻ em đường phố |
Triển lãm "Đông" trưng bày gần 30 tác phẩm sơn dầu với đa dạng đề tài từ phong cảnh đến tĩnh vật, phố xá, nhà cửa, chân dung và tác phẩm điêu khắc Kiến của điêu khắc gia Mạnh Hùng sẽ cho người xem thấy dù là các đề tài quen thuộc nhưng qua cách thể hiện riêng biệt của từng tác giả, sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo, những bảng màu rực rỡ tươi vui trong những ngày mùa đông của tháng cuối cùng trong năm này.
Triển lãm "Đông" trưng bày gần 30 tác phẩm sơn dầu với đa dạng đề tài |
Con người là đối tượng chính của tất cả các ngành nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hội họa. Họa sỹ Đoàn Xuân Tùng đi tìm vẻ đẹp tưởng tượng của người phụ nữ từ những ảnh hưởng của tranh dân gian Việt - lúc ẩn lúc hiện, lúc thực lúc ảo và có xu hướng mờ đi truyền thống đẹp cổ xưa đó qua chùm tác phẩm chân dung “Tiên”…
Cũng như vậy nữ họa sỹ Vương Linh đi tìm cái đẹp nghệ thuật trong thế giới “Cây” - một thực thể sống có vật chất và tinh thần gần gũi với con người. Cây cối ở Châu Âu và Châu Á khác nhau như con người châu Á châu Âu nhưng lại có những đặc điểm chung nhất mà nữ họa sỹ đang thể hiện trong lao động sáng tác của mình. Vẽ cây là vẽ người và ngược lại…
Các tác phẩm tham gia triển lãm |
Họa sỹ Phạm Duy Quỳnh lấy tĩnh để động bằng các đồ vật thân thiết xung quanh con người. Đồ vật cũ hay mới đều mang những cảm xúc của các nhân vật trong câu chuyện tạo hình nhiều màu sắc…
Sự tĩnh lặng của đời sống xã hội con người lại được họa sỹ Hán Anh miêu tả qua không gian làng cũ ven đô đã trở thành phố mới lô nhô, san sát, bon chen nhau một cách trật tự theo phong cách mang tính giản thể về hình thức nghệ thuật dựa trên các cấu trúc của đường thẳng ngang dọc hài hòa và nhiều cảm xúc.
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Hùng với thân phận của bầy kiến thợ và kiến chúa liên quan tới những ẩn dụ về tổ chức đời sống của con người. Kiến thợ thường chăm chỉ, đoàn kết, có kỷ luật để kiếm ăn, phục vụ kiến chúa và bảo vệ cộng đồng. Kiến chúa đẻ ra kiến thợ nên đôi khi nhút nhát, yếu đuối và đặc biệt đớn hèn khi bị kẻ thù tấn công…
Tuy 5 họa sỹ trong triển lãm "Đông" khác nhau về phong cách thể hiện nghệ thuật hội họa độc lập của mình nhưng họ gặp nhau vừa tình cờ vừa hữu ý trong tiếng "Gọi" quyến rũ của cái đẹp, của con người cũng như cái đẹp của nghệ thuật. Họ đang vững bước đi bên nhau trên con đường thênh thang đó. Cái đẹp đã, đang và sẽ cứu rỗi thế giới.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đã giới thiệu về triển lãm như sau: "Nghệ thuật nào cũng đều đi ra từ đời sống, nhưng đời sống chỉ là gợi ý, là cái ga khởi hành, là nguyên liệu, là đề tài. Đích đến, ga đến thì nghệ thuật phải tạo ra một đời sống khác, một hiện thực khác. Hiện thực ấy vừa phải là nó mà lại là một nó mới, khác lạ và đẹp hơn.
Nghệ thuật và đời sống cách nhau một sợi tóc. Nói cách khác, sứ mệnh của kẻ sáng tạo là cá nhân hóa được cái hiện thực ấy. 1000 họa sĩ cùng vẽ một hàng cây, một con phố… thì có nghĩa là họ phải “sáng thế” ra được 1000 hàng cây, 1000 con phố khác nhau.
Người thưởng ngoạn nghệ thuật chỉ cần xem cách các họa sĩ “kể” về hàng cây ấy thế nào, con phố ấy ra sao. Không phải là vẽ gì mà phải là vẽ thế nào?
Người thì “kể” bằng mầu, người “kể” bằng hình, người “kể” bằng đậm nhạt… nghệ thuật là sáng tạo.
Nghệ thuật đủ dài rộng cho mọi cá tính. Nghệ thuật luôn cần tiếng nói cá nhân, nghệ thuật bao giờ cũng là câu chuyện cá nhân.
Tôi nghĩ triển lãm "Đông" của 5 họa sĩ: Vương Linh, Hán Anh, Đoàn Tùng, Duy Quỳnh, Nguyễn Mạnh Hùng cũng không nằm ngoài ý nghĩa trên.
Nếu họ gọi được cái tôi ở trong sâu thẳm nội giới của mình thì sẽ có nghệ thuật, có tác phẩm. Đi đến tận cùng mình thì sẽ gặp nghệ thuật. Làm nghệ thuật là làm mình, là “đánh nhau” với mình. Làm nghệ thuật chính là hành trình trở về với mình, tìm mình.
Dù là vẽ phong cảnh nhà cửa phố xá như họa sĩ Hán Anh hay vẽ những con đường rợp bóng cây như họa sĩ Vương Linh hay những bức tĩnh vật của họa sĩ Duy Quỳnh, hoặc những bức chân dung cô Tiên của Đoàn Tùng, điêu khắc những con vật như Mạnh Hùng thì đấy cũng chính là những cách mà họ đang nỗ lực “gọi mình”, đang làm mình, đang trở về với mình.
Xin trân trọng giới thiệu triển lãm "Đông" với cộng đồng yêu nghệ thuật của Thủ đô".