TP Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng môi trường tại nông thôn
198 điểm ô nhiễm đã trở thành khu sinh hoạt công cộng
Ông Trần Minh Quân, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, toàn TP đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường và đã có 198 điểm ô nhiễm được chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như: Sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng...
Theo ông Quân, hàng năm, Sở TNMT đều tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh để ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” trên địa bàn thành phố. Theo đó, với sự phối hợp, hỗ trợ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; Các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện đều đã có kế hoạch, văn bản triển khai các hoạt động hưởng ứng tháng hành động, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị, địa phương.
Các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên được diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh |
Thời gian qua, Sở TNMT đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố tổ chức 8 lớp tập huấn cho các cán bộ, hội viên nông dân tại các quận, huyện tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội Cựu chiến binh thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức 3 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng, kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, triển khai các nội dung trọng tâm của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngoài ra, ông Quân còn cho biết, thống kê trong năm 2022 và 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, các sở ban ngành, UBND và đoàn thể các cấp đã tổ chức đồng loạt hàng trăm hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thành phố với hình thức đa dạng, phong phú tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia (thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, sự kiện "Ngày hội sống xanh", tọa đàm, hội thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh...).
Mục tiêu 100% cơ sở sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt chuẩn
Theo ông Trần Minh Quân, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT TP Hồ Chí Minh, Sở đã có dự thảo trình UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; Trên 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; Đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn...
Ông Trần Minh Quân, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT phát biểu tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí |
Về công tác xử lý chất thải, Sở TNMT hướng tới có ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; Tối thiểu 98% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; Khoảng 50% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.
"Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 80% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng hoặc có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ, kênh rạch", ông Trần Minh Quân cho biết.
Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TNMT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thời gian tới, toàn bộ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, chất thải rắn và nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 100% các hộ gia đình nông thôn và trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.