TP HCM: Kiến nghị hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
Ảnh minh họa |
Theo đó, về chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn TP HCM đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đã đầu tư phương tiện và được UBND TP HCM phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 - 2020 được ngân sách hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn việc thực hiện bắt buộc lắp camera theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 được kéo dài đến ngày 31/12/2023 (thay vì lộ trình bắt buộc thực hiện trước ngày 1/7/2021) nhằm tạo điều kiện cho đơn vị ổn định hoạt động; Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ; Chỉ đạo Cục Thuế TP HCM xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP HCM yêu cầu Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe khách liên tỉnh của TP tiếp tục xem xét, nghiên cứu phương án giảm hoặc miễn thu phí đậu, đón khách và giảm giá dịch vụ xe ra vào tại bến xe và các khoản chi phí khác để hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và Sở đã tạm ngừng 39 tuyến xe buýt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp, hoạt động vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt và theo tuyến cố định phải đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người trên phương tiện khiến nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có.
Trong khi đó, các khoản chi phí lớn phải trả như lãi suất vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… gần như là cố định vì đến hạn là bắt buộc phải thanh toán ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động ổn định của các đơn vị vận tải.