TP HCM: Hàng hóa dồi dào, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân
Ảnh minh họa |
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, với mục tiêu không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả, Sở Công thương TP HCM đã kích hoạt các kịch bản, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa.
Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP HCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường thành phố; Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
Trong đó, Sở tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; Đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch.
Nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Sở đã triển khai đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống. Đồng thời, Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thanh niên đi chợ thay người lớn tuổi... thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa.
Về giá cả hàng hóa, đối với các mặt hàng thiết yếu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết, thành phố có chương trình bình ổn thị trường, DN bình ổn có nhiệm vụ cung ứng hàng hóa với giá bình ổn, ổn định phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Là một trong những DN bình ổn chủ lực của thành phố, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trữ lượng, lưu trữ hàng hóa của Saigon Co.op có 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn thực hiện lưu trữ duy trì cả năm. 12 nhóm hàng này không thay đổi giá. Sản lượng dự trữ 12 mặt hàng này, tùy từng nhóm mặt hàng có thể đảm bảo cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố từ 1 đến 3 tháng.
Cũng theo ông Đức, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh, nên việc thiếu một vài mặt hàng trên các quầy kệ chỉ mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó, người dân yên tâm không nên hoang mang, lo thiếu hàng. Đây cũng là khẳng định của nhiều DN phân phối lớn trên địa bàn thành phố trước nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Bên cạnh việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, Saigon Co.op cùng nhiều đơn vị phân phối trên địa bàn thành phố cũng duy trì nhiều hình thức mua sắm gồm trực tiếp, đặt hàng qua app để nhân viên siêu thị giao hàng đến. Ngoài ra các hệ thống bán lẻ này cũng hợp tác với một số đối tác như zalo, now... nhằm hỗ trợ giao hàng cho người dân.