Tin tức trong ngày 31/7: Huy động cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch
Huy động cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch
Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc số 6140/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ diễn biến dịch tại địa phương và các quy định liên quan để huy động nguồn lực từ các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh Covid-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở khi có yêu cầu.
Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc số 6140/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc huy động các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 |
UBND các tỉnh, thành phố quan tâm và có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch như đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; hỗ trợ các thiết bị phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vắc xin và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo quy định hiện hành.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch; Hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi được phân công.
Trao 500 suất quà chia sẻ khó khăn với nữ lao động di cư
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội triển khai đợt cao điểm tổ chức các hoạt động hỗ trợ nữ lao động tự do, phụ nữ dễ bị tổn thương gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đợt cao điểm diễn ra từ ngày 30/7 đến 30/8/2021.
Những ngày qua, cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như: Tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên, người dân nâng cao ý thức tự phòng tránh dịch, tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế; Chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ, thành phố Hà Nội; Huy động nguồn lực, cấp phát miễn phí tới cộng đồng các vật dụng y tế, nhu yếu phẩm...
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội trao 500 suất quà chia sẻ khó khăn với nữ lao động di cư |
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố còn dành sự quan tâm đặc biệt tới các phụ nữ yếu thế, trong đó có nữ lao động tự do, di cư, những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Mở đầu đợt cao điểm, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (Light) trao hơn 500 suất quà và tiền cho nữ lao động tự do, di cư gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng trị giá 180 triệu đồng, tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng nữ lao động nhập cư, lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động; phụ nữ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo gặp khó khăn trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lập danh sách và có phương án hỗ trợ kịp thời...
Thêm một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được ký hợp đồng
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Đèo cả cùng Liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Như vậy cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) đã được ký kết hợp đồng để bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng, triển khai thi công.
Thêm một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được ký hợp đồng |
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km, điểm đầu tại km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; Điểm cuối dự án tại Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ; Tuyến hầm Núi Vung có chiều dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, lớn thứ tư cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô sẽ lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35m...