Tin tức trong ngày 29/10: Đề xuất nghỉ Tết Tân Sửu 7 ngày, Quốc khánh 4 ngày
TP HCM: Học sinh được nghỉ Tết Nguyên đán 11 ngày Đề xuất hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 |
Trình phương án nghỉ tết Tân Sửu và Quốc khánh 2/9
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa gửi Tờ trình Chính phủ về việc đề xuất nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu theo phương án nghỉ 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết và nghỉ lễ Quốc khánh là 4 ngày.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa gửi Tờ trình Chính phủ về việc đề xuất nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu |
Cụ thể, đối với nghỉ Tết Âm lịch, Bộ LĐTĐ&XH trình phương án nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
Theo Bộ LĐTB&XH, do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Âm lịch (tức ngày 13-14/2/2021 Dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật nên người lao động sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch (tức ngày 15-16/2/2021 Dương lịch).
Với phương án này, người lao động sẽ được nghỉ Tết Âm lịch là 7 ngày liên tục, từ ngày 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Đối với nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bộ LĐTB&XH đề xuất phương án nghỉ 4 ngày từ ngày Thứ Năm 2/9 đến ngày Chủ Nhật 5/9. Trong đó 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh và 2 ngày là ngày nghỉ hằng tuần.
Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, sau tổng hợp, 100% ý kiến góp ý của nhiều ban, bộ, ngành được lấy ý kiến đều đồng ý với đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Trên cơ sở đó, Bộ LĐTB&XH đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2021 theo phương án trên.
Bộ LĐTB&XH đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định việc nghỉ lễ, Tết năm 2021 và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH thông báo cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp biết, thực hiện lịch nghỉ.
Hàng nghìn ngôi nhà tốc mái do bão số 9
Thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 cho biết: Bão số 9 đã làm một người thiệt mạng do trú mưa ở lán bị sập; 2 người bị thương, 4 ngôi nhà bị sập và hàng nghìn nhà bị tốc mái.
Trong tổng số 1.095 nhà bị tốc mái, có tới 934 nhà ở Quảng Ngãi, 109 nhà ở Gia Lai và một vài trường hợp khác thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Kon Tum.
Bão cũng gây ngập lụt tại tỉnh Kon Tum, chia cắt 2 thôn với 259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà.
Bão số 9 làm hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái |
Ghi nhận về hệ thống lưới điện cho thấy, hiện tại, có 360 xã chủ động cắt điện chống bão, trong đó có 145 xã tại Quảng Ngãi, 97 xã tại Bình Định, 56 xã ở Quảng Nam, 51 xã ở Phú Yên... Đáng chú ý, hệ thống điện mặt trời tỉnh Bình Định bị hư hại.
Liên minh Châu Âu (EU) viện trợ 1,3 triệu euro cho các tỉnh miền Trung
Liên minh Châu Âu (EU) sẽ cung cấp một khoản viện trợ trị giá 1,3 triệu euro (tương đương hơn 35,6 tỷ đồng) để trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền Trung Việt Nam từ đầu tháng 10/2020.
Khoản viện trợ này tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách của những người bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Công tác thực hiện cứu trợ thông qua khoản viện trợ này sẽ bao gồm việc phân phát các bộ thiết bị làm sạch vệ sinh, các vật dụng cứu trợ cần thiết khác nhằm đảm bảo việc tiếp cận nước sạch, các thiết bị làm sạch và tăng cường các công tác vệ sinh.
Một khoản tiền mặt cũng sẽ được cung cấp cho người dân giúp họ mua thực phẩm và những thứ cần thiết khác. Những nhóm dễ bị tổn thương và yếu thế nhất như các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ và những người bị khuyết tật sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo đánh giá nhanh ảnh hưởng của lũ lụt miền Trung của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai có khoảng 150.000 người dân miền Trung cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới, 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế và sản xuất nông nghiệp…