Tin tức trong ngày 12/11: Bộ Tài chính đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin
Hà Nội: Gắn ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính |
Bộ Tài chính đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin
Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính xếp ở vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được xếp loại.
Tiếp theo lần lượt là các Bộ: Công thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Lao động- Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải.
Bộ có mức độ ứng dụng CNTT thấp nhất là Bộ Xây dựng. Tiếp đến là Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu về ứng dụng CNTT (ảnh minh họa) |
Riêng các Bộ Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc do đặc thù cung cấp thông tin hoặc không cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên không nằm trong bảng xếp hạng.
Kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT dưa trên 6 tiêu chí gồm hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế - chính sách - quy định cho ứng dụng CNTT và nhân lực ứng dụng CNTT.
Ở khối các tỉnh/thành phố, top 3 tỉnh, thành phố đứng đầu về ứng dụng CNTT năm nay tiếp tục là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Một số tỉnh có thay đổi tích cực về vị trị xếp hạng như Lạng Sơn, An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, nguyên nhân là do đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, đặc biệt là mức 4. Đứng cuối bảng lần lượt là các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum, Bạc Liêu, Nghệ An.
Hơn 11.000 giáo viên gặp khó do Covid-19 sẽ được nhận tiền mặt
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội thông tin về lộ trình triển khai việc hỗ trợ nhóm đối tượng mới theo Nghị quyết 154/2020/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trên tinh thần của các Nghị quyết và Quyết định trên, việc hỗ trợ tới các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được mở rộng thêm tới nhóm đối tượng là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương (tạm gọi tắt là nhóm giáo viên các trường tư thục, trường công lập tự chủ chi thường xuyên).
Mức hỗ trợ theo quy định là 1.800.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng và dựa trên thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4/2020.
Thống kê ban đầu của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, địa bàn thành phố hiện có khoảng 11.000 người thuộc nhóm đối tượng mới này.
Trên cơ sở rà soát và lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ trình UBND thành phố xem xét và ban hành quyết định hỗ trợ nhóm đối tượng trên theo quy định của Nghị quyết 154/NQ-CP và QĐ 32/20202/QĐ-TTg.
Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Nam |
Sạt lở ở Quảng Nam khiến 3 người bị thương, 1 người mất tích
Khoảng 15h ngày 11/11, đất đá từ trên núi bất ngờ sạt lở xuống Quốc lộ 40B (đoạn thuộc địa phận thôn 4, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đúng lúc này, 9 người dân di chuyển bằng xe máy qua khu vực trên. Khi đất đá trút ào ạt xuống đường, 5 người trong số họ vứt bỏ xe máy và kịp tháo chạy thoát thân, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Nạn nhân còn lại là người đàn ông quê ở huyện Thăng Bình mất tích.
Hiện, cơ quan chức năng đã huy động phương tiện và đang đào bới trong đống đất đá để tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra sạt lở núi, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Trước đó, chiều 28/10, ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng khiến 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích. Trong khi đó, cũng vào thời điểm này, tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), 2 trận sạt lở núi đã khiến 13 người bị vùi lấp, trong đó có 2 cán bộ xã.
Đến thời điểm hiện tại, 17 nạn nhân trong 3 vụ sạt lở nêu trên vẫn chưa được tìm thấy.