Tín hiệu vui chứng tỏ vị thế mảng sách dành cho thiếu nhi
Ra mắt sách "Hành trình trở thành người giáo viên hạnh phúc - thịnh vượng - bình an" |
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ tư (do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức) đã trao 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C cho các ấn phẩm xuất sắc.
Đại diện NXB Kim Đồng cùng các tác giả nhận giải A - Giải thưởng Sách quốc gia 2021 |
Năm nay, sách Kim Đồng bội thu với 4 ấn phẩm được trao giải: Giải A dành cho cuốn “Chang hoang dã” của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn, họa sĩ Jeet Zdung minh họa; Giải B được trao cho cuốn “Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy” của nhóm tác giả Team Loài Plastic và cuốn sách thuộc thể loại scanimation đầu tiên của Việt Nam “Lướt cùng Tí địa lí” của Xuân Đài, Uyên Trương; Giải C dành cho “Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó và tại sao?” (Nhiều tác giả, sách mua bản quyền của NXB Quarto (Anh), Kim Ngọc biên dịch).
Các cuốn sách đoạt giải |
Bằng trải nghiệm của chính bản thân mình, Trang Nguyễn đã kể một câu chuyện đầy xúc động về hành trình giải cứu chú gấu Sorya khỏi tay của những kẻ buôn bán động vật hoang dã và đưa chú trở lại môi trường sống tự nhiên trong cuốn truyện tranh “Chang hoang dã”.
Cuốn sách cũng truyền cảm hứng để các bạn nhỏ dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình. Được xuất bản đầu năm 2020, chỉ một thời gian ngắn sau đó, “Chang hoang dã” đã được NXB Pan Macmillan (Anh) mua bản quyền và tiếp tục bán bản quyền cho Penguin Random House (Mỹ), Bookdream (Hàn Quốc), Jieli (Trung Quốc), Ayrinti (Thổ Nhĩ Kỳ), Fontini (Na Uy), AST (Nga)...
Theo chị Nhàn Phạm, phòng Bản quyền NXB Kim Đồng, cuốn sách đề cập đến lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên là chủ đề được nhiều NXB trên thế giới quan tâm, cùng với những bức tranh minh họa màu nước sống động của họa sĩ Jeet Zdung là lý do khiến cuốn sách được nhiều quốc gia mua bản quyền.
Xuất phát từ một dự án phi lợi nhuận về môi trường của một nhóm bạn trẻ, “Loài Plastic - Khi nhựa trỗi dậy” giới thiệu kiến thức về 32 loài nhựa cho độc giả, truyền tải thông tin hữu ích về các sản phẩm nhựa dùng một lần và nâng cao nhận thức cho người sử dụng. Team Loài Plastic chia sẻ, “việc tiếp nhận các thông tin khoa học một cách trực quan, sinh động sẽ làm người xem thấy thú vị hơn và ghi nhớ lâu hơn”.
“Lướt cùng Tí địa lí” được đánh giá cao bởi sự sáng tạo trong cách thức thể hiện. Những trang sách chuyển động sẽ giúp các bạn nhỏ hứng thú hơn trong việc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của nhiều vùng miền trên tổ quốc. Đó cũng là mong muốn của nhóm tác giả Xuân Đài, Uyên Trương, giúp các em nhỏ vừa học vừa chơi.
“Cuốn sách về quyền lực: Nó là cái gì, ai có nó, và tại sao?” giúp cho trẻ em hiểu về các loại quyền lực, từ quyền lực cá nhân, quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế... một cách cụ thể gần gũi. Chị Nguyễn Thanh Hương, BTV của cuốn sách chia sẻ thêm, cuốn sách đưa ra nhiều ví dụ về những con người biết sử dụng quyền lực một cách tích cực để thay đổi thế giới, và truyền cảm hứng để các em nhỏ bồi đắp lòng tự tin, làm cho mình có thêm những quyền lực, để có thể trở thành người kiến tạo thế giới trong tương lai.
Về tiêu chí lựa chọn sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Kim Đồng chia sẻ: “Là NXB chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi với số lượng và đề tài sách rất phong phú, vì vậy, khi lựa chọn sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia, chúng tôi muốn gửi đến những ấn phẩm tiêu biểu nhất trên tất cả các mảng sách: văn học, khoa học, kiến thức, tranh truyện. Ngoài yếu tố hay về nội dung, đẹp về hình thức, chúng tôi còn đề cao những tác phẩm có yếu tố mới mẻ, mang tính tìm tòi và sáng tạo”.
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Giải thưởng Sách Quốc gia không những giúp các cuốn sách giá trị lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, giúp nâng cao vị thế của người làm sách, mà giải thưởng còn là sự khích lệ, động viên để nhà xuất bản tiếp tục làm ra nhiều cuốn sách hay, chất lượng hơn.
Ra mắt tác phẩm đầu tiên trong bộ fantasy "Bụi kí" |
Hiểu thêm về nữ minh tinh nổi tiếng thế giới qua cuốn sách "Marilyn ở Manhattan" |
Hà Nội - những mạch nguồn vô tận cho tác phẩm văn học |