Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Năm 2022 là thời điểm mà các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.
Tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới" |
Sau tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới như đa dạng hóa dòng hàng, thị trường; ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác cách mua bán truyền thống trước đây.
Để ngành dệt may có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội “vàng” trong phát triển, các đại biểu tham gia Tọa đàm đã đề xuất cần các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhất là các dự án dệt-nhuộm, sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường…
Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, “xanh hóa” công nghiệp dệt may… Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tới năm 2030 đạt 68 đến 70 tỷ USD.