Tìm động lực để doanh nghiệp Việt vươn lên trong bối cảnh mới
Tầm nhìn phát triển dài hạn với thương mại điện tử xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt 82% doanh nghiệp Việt Nam dự kiến tăng lương trong năm 2025 |
Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Hoàng Triều) |
Phát biểu mở đầu hội thảo, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho biết, hiện nay kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 3,2% vào năm 2024 và khoảng 3,2 - 3,3% trong năm 2025. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng có những gợi mở tích cực.
Theo TS Cấn Văn Lực, Việt Nam phục hồi rất tích cực trong năm nay, khả năng đạt mức tăng trưởng 7% là hoàn toàn khả thi. Năm 2025, nước ta dự báo tăng trưởng sẽ khoảng 6,6 - 6,8%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực đánh giá nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ cả trong và ngoài nước, như: Quá trình giải ngân đầu tư công ở TP Hồ Chí Minh là quá chậm; việc đổi mới, tinh gọn bộ máy cũng gặp rất nhiều thách thức nhưng cần quyết tâm vượt qua…
Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền; đồng thời nắm bắt các xu hướng lớn của thế giới, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ…
“Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại… Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia…”, TS Cấn Văn Lực nói.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia phát biểu (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến về chính sách, nắm bắt xu hướng, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy biến động.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cho rằng, cần có sự cải cách về tư tưởng và quan điểm pháp luật; cải cách về cơ chế thực thi phải thật sự hiệu quả. Cuộc cách mạng bộ máy phải đi theo hướng xác định rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, không còn tình trạng phải xin phép nhiều cửa, khi đó chức năng và nhiệm vụ của từng vị trí trong bộ máy sẽ được rõ ràng.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội (Ảnh: Hoàng Triều) |
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: “Kỳ vọng cho tương lai, những cải cách mới, cùng với cam kết hành động rõ ràng, có thể mang lại kết quả thực chất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quá trình chuyển đổi luôn đi kèm với cái giá phải trả, việc kiểm soát tốt quá trình này là yếu tố quyết định sự thành công”.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nhìn nhận, động lực chính cho tăng trưởng GDP nước ta trong thời gian tới sẽ đến từ tiêu dùng nội địa.
“Để tận dụng cơ hội này, cần tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Từ năm 2025 trở đi, với hạ tầng được cải thiện, chi phí logistics có thể giảm đáng kể, cùng với sự đầu tư của Chính phủ vào năng lượng và hạ tầng số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, TS Trần Du Lịch nói.
TS Trần Du Lịch nhìn nhận tình hình (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tổng kết buổi hội thảo, TS, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao động tin tưởng, khi đối mặt với những thách thức lớn, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
“Như các chuyên gia nhấn mạnh, kinh tế nội địa đóng vai trò then chốt, trong đó nông nghiệp là nền tảng và trụ đỡ vững chắc. Thành công của nền kinh tế cũng gắn liền với hạnh phúc của người nông dân trên mảnh ruộng của họ. Khi đạt được điều đó, chúng ta có thể tự hào rằng những mục tiêu kinh tế đã được thực hiện”, nhà báo Tô Đình Tuân nói.
Tổng Biên tập báo Người Lao động Tô Đình Tuân phát biểu (Ảnh: Hoàng Triều) |
Tổng Biên tập báo Người Lao động hy vọng, thông qua những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ từng bước vượt qua thách thức, phát triển bền vững và mạnh mẽ trong tương lai...