Tiết kiệm gần 5 tỷ đồng cho người dân nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hỏa táng
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Bài liên quan
Hà Nội siết chặt quản lý, kinh doanh rượu
Đối thoại và nêu gương, “bí kíp” làm nguội điểm nóng
Hội nghị Hợp tác – Phát triển giữa Hà Nội và Nam Định
Đó là một trong những kết quả nổi bật về thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hoả táng được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hoả táng và Tổng kết chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo năm 2018, do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng nay 20/8.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trước năm 2016, việc chi trả tiền hoả táng của thành phố cho người dân có nhiều hạn chế. Ở hình thức thanh toán, người dân mất nhiều thời gian chờ đợi.
Năm 2010, UBND thành phố ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hoả táng. Trong đó, thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (đối với khu vực ngoại thành), 500 ngàn đồng (khu vực nội thành). Ngoài ra, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội tại các Trung tâm nuôi dưỡng tập trung và người lang thang vô gia cư mất trên địa bàn thành phố còn được hỗ trợ áo quan, túi đồ khâm liệm, quản lý lưu giữ bình tro...
Tháng 4/2016, Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng theo phương thức bù trừ trực tiếp. Theo đó, thành phố giao Ban phục vụ lễ tang Hà Nội làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và chi trả tiền hỗ trợ hỏa táng cho người dân ngay khi ký hợp đồng hỏa táng
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ khuyến khích hoả táng theo phương thức bù trừ trực tiếp trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện cao nhất cho người dân khi làm thủ tục hoả táng cho người thân không phải bổ sung hồ sơ và đi lại nhiều lần.
Kết quả, người dân sử dụng phần mềm hỏa táng, dịch vụ công trực tuyến khai tử (từ 1/9/2016 đến 30/6/2019) là 40.811 hồ sơ, tiết kiệm cho người dân gần 5 tỷ đồng.
Về chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo năm 2018, trong 3 năm, từ năm 2016-2018, ngân sách thành phố đã bố trí trên 6.380 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung vào các nội dung như tín dụng ưu đãi, thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã miền núi, dân tộc. Ngoài nguồn ngân sách, thành phố còn đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường các nguồn lực, vận động để hỗ trợ hộ nghèo.
Kết quả, đã có hơn 78.800 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được vay vốn ưu đãi, với doanh số cho vay là 2.178 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 5.053 tỷ đồng; hơn 836.000 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, với kinh phí trên 552,8 tỷ đồng; gần 6.250 hộ nghèo được hỗ trợ xây, sửa nhà ở...
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, Hà Nội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng, ban hành các chính sách xã hội đặc thù; ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đặc biệt năm 2018 là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thành phố tập trung triển khai Chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở hộ nghèo với 4.166 hộ nghèo được hỗ trợ hoàn thành trước ngày Cả nước vì người nghèo 17/10.
“Đây là hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác trợ giúp người nghèo”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố còn 1,16%, nếu trừ hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội còn 0,6% - hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của Thành phố giai đoạn 2016-2020. Đến nay, thành phố có 5 quận không còn hộ nghèo; không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc |
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh Chương trình mục tiêu giảm nghèo, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng được thành phố thực hiện từ năm 2010. Đặc biệt từ năm 2016, thành phố đổi mới phương pháp, áp dụng công nghệ thông tin vào thanh toán kinh phí hỗ trợ hỏa táng trực tiếp cho người dân ngay khi ký hợp đồng hỏa táng. Qua đó góp phần giảm chi phí hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng đã tăng từ 6% (trước khi thực hiện chính sách năm 2010) lên 48% năm 2016 và hiện nay là 60%.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn, đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu đó, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của Hà Nội.
“Đây là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự cố gắng của chính quyền thành phố để hỗ trợ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng lao động thoát nghèo, đồng thời hỗ trợcác hộ mới thoát nghèo nhưng còn khó khăn để sớm ổn định cuộc sống”, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh thêm.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo; vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật; không trông chờ ỷ lại, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện chính sách khuyến khích hỏa táng. Nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận...
*Tại Hội nghị, 27 tập thể và 19 cá nhân đã nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì có thành tích trong công tác thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo và chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng của thành phố.