Tiếp sức, cùng người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Tích cực chăm lo đời sống người lao động
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư xảy ra từ tháng 4 năm 2021 đến nay đã khiến không ít công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất ở nhiều tỉnh, thành phố phải tạm nghỉ việc. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động.
Ông Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Dịch bệnh khiến không ít công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất phải tạm nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1.
Để tạo động lực cho người lao động, các cấp Công đoàn đã có nhiều hoạt động quan tâm, chăm sóc đời sống công nhân trong quá trình điều trị bệnh. Đơn cử, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã chi gần 41,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho 71.225 người lao động. Trong đó hỗ trợ 1.610 công nhân lao động là F0. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chi hơn 41,2 tỷ đồng để hỗ trợ 84.279 người lao động và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ an toàn COVID-19”.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao túi an sinh công đoàn cho người lao động |
Các cấp Công đoàn cũng đã phối hợp với chính quyền và công an địa phương tuyên truyền, vận động 1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê 30-100% cho người lao động với số tiền hàng chục tỷ đồng kể từ đợt dịch lần thứ tư năm 2021 đến nay.
Ở từng đơn vị, cũng có khá nhiều cách làm sáng tạo để một mặt ngăn chặn dịch, mặt khác động viên tinh thần người lao động.
Còn tại Công ty TNHH Hanwha Aero Engines (trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất), Công đoàn công ty đã tham mưu cho Ban Giám đốc công ty thay vì đi tham quan, nghỉ mát sẽ hỗ trợ bằng ngày nghỉ và phần quà đến tay người lao động; Bổ sung bữa ăn đặc biệt dành cho người lao động 1 lần/tháng, nghỉ hưởng 100% lương khi bị cách ly do dịch bệnh...
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng: Bên cạnh việc chăm lo đời sống, giữ chân lao động F0, F1, cũng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động và việc làm tại mỗi quận, huyện, thị xã và trên phạm vi toàn thành phố để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp; Đồng thời phục vụ cho công tác phân tích, dự báo cung - cầu lao động, góp phần ổn định nguồn lực lao động trong doanh nghiệp và trên địa bàn.
Không để sót đối tượng thụ hưởng nhận hỗ trợ tiền thuê nhà
Mới đây, để hỗ trợ cho người lao động vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo trình tự thủ tục rút gọn. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hỗ trợ cho 2 đối tượng người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Với những việc làm kịp thời, thiết thực của các cấp ban, ngành đã nhanh chóng hỗ trợ người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác |
Tại thành phố Hà Nội, để người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà một cách nhanh chóng, đầy đủ, thuận lợi nhất, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã hướng dẫn Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội khẩn trương phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai, giám sát. Đích đến là bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; không để lợi dụng trục lợi chính sách hoặc để sót đối tượng thụ hưởng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, tổng hợp danh sách, hoàn thiện các hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động theo quy định. Đồng thời, niêm yết công khai tại nơi làm việc, mạng thông tin nội bộ; Qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Facebook, Zalo…); Qua hệ thống truyền thanh, phát hành tờ gấp... về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để người lao động và người sử dụng lao động biết, triển khai thực hiện.
Nguyên tắc thực hiện: Không hỗ trợ đối với người lao động không đề nghị được hỗ trợ. Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội khi có đủ các điều kiện sẽ nhận được mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng. Người lao động quay trở lại thị trường lao động, làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố khi có đủ các điều kiện sẽ được hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ 2 nhóm trên tối đa 3 tháng; Phương thức chi trả theo hằng tháng. Thời gian nộp hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động phải thực hiện chi trả cho người lao động.
Với những việc làm kịp thời, thiết thực của các cấp ban, ngành đã nhanh chóng hỗ trợ người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.