Tiềm năng và triển vọng của vùng đất huyền sử
Biểu diễn cồng chiêng tại thác Pa Sĩ |
Tiềm năng và triển vọng
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiều thắng cảnh đẹp, nền văn hóa vô cùng đặc sắc, phong phú. Kon Tum có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch khi sở hữu Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, rừng đặc dụng Đăk Uy, nơi lưu giữ hệ sinh thái, động vật vô cùng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, khu du lịch sinh thái Măng Đen luôn mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn, mê đắm lòng người với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ.
Kon Tum còn sở hữu địa hình chủ yếu là đồi núi ngắn, dốc, hoang sơ, tự nhiên nên đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.
Kon Tum là điểm đến của khách du lịch với nhiều thác nước đẹp (Ảnh: Ban Nguyễn) |
Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên một bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú như: Lễ hội mừng nhà Rông mới (dân tộc Ja Rai); lễ hội cúng máng nước (dân tộc Xơ Đăng); lễ hội kiêng làng (dân tộc Brâu); lễ hội mở của kho lúa… cùng với không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch, thu hút khách đến với Kon Tum.
Theo báo cáo của ngành du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đang ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 218 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.175 phòng.
Thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, hoang sơ rất thích hợp để khách du lịch tham quan, trải nghiệm du lịch mạo hiểm |
Hiện nay, để phát triển du lịch theo hướng bền vững, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể Nhân dân về phát triển du lịch. Coi nhiệm vụ phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan đối với kết quả phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, ngành Du lịch tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận thêm 2 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh được công nhận 13 điểm du lịch (đạt hơn 100%) và 1 khu du lịch cấp tỉnh (đạt 50%) so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, tổng số khách du lịch đến tỉnh Kon Tum đạt 4.296.612 lượt khách, dự báo năm 2024 sẽ đón khoảng hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch (đạt khoảng 67% so với chỉ tiêu đón 2,5 triệu lượt khách/năm vào năm 2025).
Kon Tum còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên |
Tạo đà bứt phá
Để góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, ngành Du lịch đã khuyến khích xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng riêng, trọng tâm là sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Kon Tum tập trung phát huy tiềm năng lợi thế và xu thế thị trường du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới có tính đặc trưng, riêng có, cụ thể: Du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử: Các di tích lịch sử Ngục Kon Tum; di tích Chư Tan Kra, di tích Điểm cao 1015 (Đồi Charlei, Sạc Ly), di tích Điểm cao 1049 (Delta) thuộc huyện Sa Thầy; di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh huyện Đăk Tô; di tích Chiến thắng Plei Kần, huyện Ngọc Hồi; di tích Ngục Đăk Glei, huyện Đăk Glei; các công trình kiến trúc tôn giáo Nhà thờ gỗ, Chùa Tổ Đình Bác Ái..
Chợ phiên Măng Đen - Sức hút mới của du lịch Kon Tum |
Đồng thời, tỉnh tổ chức các lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tham quan và tìm hiểu lối sống, ẩm thực, phong tục tập quán các địa phương; du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn tại huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum; đu dây, chèo thuyền vượt ghềnh thác trên các lòng hồ thủy điện Sê San, Ya Ly, Plei Krông, thủy điện Thượng Kon Tum... Du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông, vườn Quốc gia Chư Mom Ray huyện Sa Thầy, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, huyện Đăk Glei và huyện Tu Mơ Rông.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum đạt 1.839.240 lượt người (trong đó khách quốc tế đạt 5.560 lượt người); tổng doanh thu đạt khoảng 578 tỷ đồng (gồm lưu trú, nhà hàng, các điểm du lịch, các cơ sở mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, lữ hành); công suất phòng đạt trên 65%.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen mang vẻ đẹp hoang sơ, cảnh quan hùng vĩ |
Những con số trên đã chứng minh Kon Tum đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, vùng đất huyền sử đang là cái tên vô cùng tiềm năng và triển vong trong một thị trường có dư địa phát triển lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Để làm được những điều đó, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Kon Tum sẽ tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số theo các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Du khách "săn mây" giữa lòng TP Kon Tum |
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh; kết nối các tour du lịch và thị trường khách du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU. du lịch nội địa, từng bước đẩy mạnh khai thác các thị trường khách quốc tế.
Song song với đó, tỉnh Kon Tum thực hiện tốt việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch; Hoàn thiện công tác kiểm kê việc đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; chuẩn bị chu đáo, đảm bảo điều kiện tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 năm 2024 và các chuỗi hoạt động gắn với sự kiện; Festival Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum lần thứ I, năm 2025.