Tích cực trong công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Sự cấp thiết của vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Là một người tiêu dùng, chị Giang Thị Hải khi đi mua các sản phẩm nông sản, thường đặt ra một câu hỏi: “Có thông tin chi tiết về sản phẩm không?”. Câu hỏi ngắn nhưng để trả lời được đòi hỏi sự chung tay của cả một hệ thống từ quản lý nhà nước tới doanh nghiệp sản xuất. Dù là một bó rau, hay một quả mướp… để biết được thông tin về sản phẩm thì cần thiết phải kiểm soát được các bước trong quy trình sản xuất như giống, ngày xuống giống, quy trình trồng và chăm sóc, thu hái, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Người tiêu dùng khi mua sắm các loại hàng hóa luôn quan tâm đến thông tin về nguồn gốc của sản phẩm |
Có thể nói, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, không chỉ đối với mặt hàng nông sản, tất cả các loại sản phẩm hàng hóa khi lưu thông trên thị trường cần thiết phải có gắn tem, mã truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Khó khăn trong hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại thị trường Việt Nam
Mặc dù là một hoạt động cấp thiết nhưng trên thực tế, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem, mã truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam đang tồn tại một số vấn đề như: truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng đồng bộ; hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc đòi hỏi tính chuẩn hóa cao cả về kỹ thuật và thông tin dữ liệu gốc, yêu cầu các bên tham gia truy xuất nguồn gốc cần thống nhất chuẩn chung tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc.
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội tổ chức lớp tập huấn về giải pháp truy xuất nguồn gốc |
Ngoài ra, các giải pháp truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam chưa được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu; việc khai báo, cập nhật thông tin truy xuất, in và dán tem chưa được kiểm soát; chưa có chương trình, hệ thống, cơ quan đánh giá chứng nhận các hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khách quan để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, người sử dụng…
Hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Trước những bất cập trong việc triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hàng loạt các giải pháp được triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và các đơn vị quản lý thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc hiệu quả.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 12/01/2022 về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, hướng dẫn triển khai cũng được đẩy mạnh.
Dán tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa |
Tháng 9 năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức khóa tập huấn về giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, cho các cán bộ thuộc cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố. Khóa tập huấn cung cấp các nội dung giúp các cơ quan, doanh nghiệp nắm bắt thông tin và hiểu rõ hoạt động quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Hiện nay, cả nước có 57.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm của mình. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm vừa giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, vừa là công cụ giúp doanh nghiệp xử lý khi có sản phẩm lỗi trên thị trường.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là đơn vị chủ trì và tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành cùng xây dựng các hành lang pháp lý, các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hang hóa; hỗ trợ cho các địa phương về tài liệu cũng như chuyên gia trong hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Trong thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, qua đó tiếp cận, nắm thông tin, nhu cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.