Thúc đẩy tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Với sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng; Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp chân chính.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thảo luận tại phiên họp tháng 10/2022.
Năm nay, Bộ Công thương lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”.
Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường; Đồng thời, kêu gọi các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc |
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Riêng năm 2021, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai kịp thời, thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sở Công thương thành phố đã chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thành phố đã vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại tri ân người tiêu dùng (40.000 chương trình với giá trị khuyến mại trên 20.000 tỷ đồng); Tổ chức Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia, 30.000 lượt người tiêu dùng tới tham quan, mua sắm; Tổ chức 24 sự kiện kích cầu, khuyến mại lên tới 100% để tri ân người tiêu dùng…
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại sự kiện |
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội, hội bảo vệ người tiêu dùng đã vào cuộc mạnh mẽ để phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tổng đài 024.1081 của thành phố và đường dây nóng của Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường thành phố luôn là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô.
Năm 2021, thành phố đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 20 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; Tiếp nhận và giải đáp 9.178 cuộc gọi qua tổng đài 024.0181 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp…
Cùng trong khuôn khổ chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 của thành phố, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 11/3 đến 15/3, với quy mô 120 gian hàng. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân như tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm… nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm giao dịch, mua sắm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 nhiệm vụ; Trong đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng; Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng; Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tri ân người tiêu dùng…
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Năm 2022, Sở Công thương xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội, Bộ Công thương, để người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật. Điều này nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển rất mạnh mẽ.
Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 11/3 đến 15/3, với quy mô 120 gian hàng |
Bên cạnh đó, thành phố sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022 của thành phố.
“Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết, xác nhận các hợp đồng mẫu liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân theo đúng các quy định của pháp luật”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.