Thừa Thiên - Huế: Nắng nóng kéo dài nhu cầu sử dụng điện tăng vọt
Lượng điện tiêu thụ điện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày qua rất cao |
Ghi nhận của PV những ngày qua, nhiệt độ ban ngày ở Huế luôn dao động từ 38 đến hơn 40 độ C. Nhiệt độ môi trường tăng cao, cộng với gió nóng, tản nhiệt diễn ra chậm hơn, độ ẩm không khí thấp khiến không khí oi bức.
Mặc dù TP Huế là nơi có nhiều cây xanh, có sông Hương giữa đô thị nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác nóng rát với không khí rất ngột ngạt.
Nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như điều hòa, quạt máy, quạt hơi nước... tăng cao khiến tiền điện tăng vọt, chi phí điện của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng tăng vọt.
Theo thống kê của Điện lực Thừa Thiên - Huế, công suất cực đại hệ thống điện toàn tỉnh đạt khoảng 296,7MW, tăng hơn công suất đỉnh năm 2020 là 290,2MW, tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, các khu vực duy trì phụ tải tăng cao như KCN Phú Bài, trung tâm TP Huế, các khu dân cư ven thành phố như: Phú Thượng, Phú Mỹ, Thủy Vân, Thủy Xuân, trung tâm thị xã Hương Thủy, Hương Trà...
Theo tính toán của Điện Lực Thừa Thiên - Huế, sản lượng điện nhận bình quân ngày toàn tỉnh trong tháng 4,5/2021 tăng từ 6-6,1 triệu kWh/ngày và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng 6/2021.
Trong đó, thành phần phụ tải sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 5 so tháng 4 duy trì mức tăng cao như mọi năm: Năm 2018 tăng 15%, năm 2019 tăng 14%, năm 2020 tăng 8% và năm 2021 tăng 13%. Do đó, tiền điện của các hộ gia đình sẽ có xu hướng tăng cao trong các tháng mùa khô sắp tới, trong đó tháng 6 có mức tăng bình quân giai đoạn 2018-2020 vào khoảng 16% so tháng 5, cao nhất là tháng 6/2020 tăng hơn 22%.
Điện lực Huế khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm |
Trao đổi với PV, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Điện lực Thừa Thiên - Huế cho rằng, từ cuối tháng 4/2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các ca nhiễm mới, nhiều ca tiếp xúc gần, chính quyền địa phương phải ban hành các quyết định thực hiện giãn cách xã hội; Một số khu vực thực hiện cách ly y tế phòng chống dịch bệnh, nên người dân hạn chế ra khỏi nhà khiến nhu cầu sử dụng điện trong các hộ gia đình tăng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng là điều không tránh khỏi.
Ông Long cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường ứng trực xử lý sự cố, kiểm tra, giám sát phụ tải, bảo dưỡng đường dây, lưới điện, Điện lực Thừa Thiên - Huế cũng thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến khách hàng nhằm quảng bá, hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, an toàn điện trong Nhân dân, thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện vừa đáp ứng nhu cầu điện trong mùa nắng nóng, vừa hạn chế tối đa hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến.
“Khách hàng cần sử dụng điện theo phương châm 4 đúng là “đúng lúc - đúng chỗ - đúng cách và đúng nhu cầu”. Khi không sử dụng, tắt nguồn tất cả các thiết bị điện. Không sử dụng cùng lúc thiết bị điện có hiệu suất cao trong giờ cao điểm của hệ thống điện.
Bên cạnh đó, tiến hành bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ các thiết bị điện; Sử dụng điều hòa nhiệt độ, thiết bị làm mát có kiểm soát, bằng cách đặt nhiệt độ không thấp hơn 26 độ C, kèm quạt gió để lưu thông không khí.
Đồng thời, khách hàng thường xuyên theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần trên ứng dụng CSKH trên thiết bị di động thông minh để biết sản lượng điện đã tiêu thụ trong chu kỳ hóa đơn để kịp thời điều chỉnh nhu cầu sử dụng khi sản lượng tăng cao hơn trước.
Nếu người dân có lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, cần tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ để sử dụng, linh hoạt thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu chi phí đầu tư ban đầu để giảm tiền điện phải trả ở các mức giá cao”, ông Long khuyến cáo.