Thu hồi đất vàng tại trung tâm Sài Gòn và hành trình vướng vào vòng lao lý của lãnh đạo uy tín
Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài bị cho rằng có liên quan trực tiếp đến sai phạm ở lô đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1).
Ngày 11/12, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 5671 về việc thu hồi khu đất vàng diện tích hơn 4.896 m2 ở số 8 - 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1. Mối liên hệ giữa ông cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và khu đất vàng, cần phải hiểu như thế nào?
Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài bị cho rằng có liên quan trực tiếp đến sai phạm ở lô đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1). |
Khu đất vàng vừa bị thu hồi, gồm mặt bằng số 8 Lê Duẩn diện tích hơn 3.456 m2 và mặt bằng số 12 Lê Duẩn diện tích hơn 1.431 m2 do Công ty cổ phần đầu tư Lavenue được thuê đất, giao đất theo quyết định số 2186 ngày 5/5/2016 của UBND TP.HCM. Việc thu hồi được dựa theo kết luận số 645 ngày 4/5/2018 của Thanh tra Chính phủ. Người dân Sài Gòn hoặc những ai thường xuyên lui tới Sài Gòn, khi nghe về khu đất vàng này, đều phải trầm trồ, vì không chỉ nằm ở giao lộ đắt đỏ mà còn được hưởng thụ không gian văn hóa của Nhà thờ Đức Bà và Dinh Thống Nhất. Điều khó hiểu là tại sao khu đất vàng được chuyển đổi công năng lòng vòng rồi rơi vào tay tư nhân dễ dàng như vậy?
Vào thời điểm 2007 - 2009, UBND TP.HCM có chủ trương thực hiện dự án khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê tại khu đất vàng nói trên, trong đó yêu cầu không áp dụng hình thức liên doanh, có biện pháp chế tài về tài chính và miễn quyền tham gia dự án đối với các đơn vị bán pháp nhân tham gia dự án. Các cổ đông nhà nước ban đầu được giao chỉ định thực hiện dự án là Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và 4 đơn vị Công ty CP hóa chất vật liệu điện TP.HCM, Công ty CP kim khí TP.HCM, Công ty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu Vitaco đều trực thuộc Bộ Công thương. Xoay qua xoay lại, cái liên doanh ban đầu bỗng dưng biến mất, khu đất vàng bỗng dưng thành sở hữu của Công ty CP đầu tư Lavenue với các cổ đông góp vốn: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM tỷ lệ 20% (cổ đông nhà nước); Công ty TNHH đầu tư Kido tỷ lệ 50% (cổ đông tư nhân); Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tỷ lệ 30% (cổ đông tư nhân). Một khu đất vàng có giá thị trường 2000 tỷ đồng, nhưng qua chỉ định giao đất chỉ thu về cho ngân sách 620 tỷ đồng, thì phải hiểu là sự ngây thơ của quan chức hay sự khéo léo của doanh nghiệp?
Khu đất vàng vốn thuộc sở hữu nhà nước do bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở, còn Công ty MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM là đơn vị được UBND TP.HCM giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này. Khi biiết có chủ trương xây dựng khu khách sạn cao cấp ở đây nên bốn đơn vị của Bộ Công Thương đã đề nghị với UBND TP.HCM cho góp 50% vốn liên doanh với Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM để thực hiện dự án. Sẽ không có gì bất ngờ, nếu tháng 8-2010 không có sự xuất hiện của Công ty TNHH Hoa Tháng Năm xin được hợp tác. Bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Hoa Tháng Năm tự giới thiệu bằng công văn: “Công ty Hoa Tháng Năm chuyên ngành nghề kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Công ty đã có nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Công ty có thế mạnh về năng lực tài chính, kinh nghiệm trên thị trường đa ngành…”. Ngay lập tức, bà Nguyễn Thị Thu Thủy- Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM có văn bản gửi UBND TP đề xuất chấp thuận cho Công ty TNHH Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn góp trong phần tỉ lệ vốn góp 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà trong dự án trên. Và cũng ngay lập tức, ông Nguyễn Thành Tài với tư cách Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM đã đặt bút phê duyệt ngay mà không cần biết năng lực thực sự của Công ty TNHH Hoa Tháng Năm như thế nào!
Công ty TNHH Hoa Tháng Năm chưa từng thực hiện dự án khách sạn cao cấp nào và năng lực tài chính cũng cực kỳ mơ hồ. Vậy mà, không hiểu nhờ sự can thiệp nào hoặc nhờ uy thế nào, bà Lê Thị Thanh Thuý được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lavenue là đơn vị được thành lập để nắm toàn quyền sử dụng khu đất vàng. Ngày 14/6/2011, ông Nguyễn Thành Tài đã ký tiếp quyết định chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng khu đất vàng để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng đất được quy định, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn. Trong đó, ông Nguyễn Thành Tài duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 Lê Duẩn (3.433 m2), theo giá thị trường là hơn 621,7 tỉ đồng (căn cứ vào tham mưu của Sở Tài chính); duyệt đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm. Tháng 9/2011, Công ty CP Lavenue đã nộp số tiền hơn 621,7 tỉ đồng, và Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Lavenue vào tháng 11/2011.
Cơ quan công an khám nhà riêng ông Nguyễn Thành Tài |
Từ năm 2013, Thanh tra TPHCM đã khẳng định, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất ở khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn thực chất là bán chỉ định là không đúng quy định. Thế nhưng, chẳng ai xử lý gì, dù khi đó ông Nguyễn Thành Tài đã về hưu. Mãi đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, thì những khuất tất của khu đất vàng mới được phanh phui. Trước khi bị khởi tố và bắt giam, ông Nguyễn Thành Tài đã công khai nói về màn “ảo thuật” biến đất công thành đất tư như sau: “Việc giao đất khi đó là sự linh hoạt, nếu giao toàn bộ khu đất thì giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Vì thế các sở tham mưu và dựa vào đề xuất này tôi thấy cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp để sớm triển khai dự án nên tôi đồng ý hai hình thức giao đất và cho thuê để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì lúc đó trên giấy tờ thì bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM chiếm 70% vốn sở hữu khi Công ty Lavenue thành lập, 30% còn lại giao cho Công ty TNHH Hoa Tháng Năm, nên Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát phần vốn của dự án. Vì tâm lý muốn dự án nhanh triển khai nên tôi duyệt phương án cho thuê và giao đất. Thực sự tôi tin cậy các cơ quan tham mưu nên có thiếu sót khi ký các quyết định. Còn nói tôi có ưu ái tạo điều kiện gì để tư lợi từ các công ty này là không có. Thời điểm đó giá đất phải khác giờ, thanh tra kết luận tôi gây thất thoát hay có dấu hiệu cố ý làm trái như vậy là không thuyết phục. Giá đất của tám năm trước khác giá bây giờ. Và trong quyết định giao đất tôi có đề nghị rất rõ là khi nào có thay đổi với giá đất thì nhà đầu tư phải chấp nhận giá điều chỉnh của Nhà nước. Tôi khẳng định tôi không có tư lợi gì trong dự án này, tất cả chỉ vì muốn dự án sớm hoàn thành, vì cái chung sự phát triển của TP.HCM!”.
Một khu đất vàng có giá thị trường 2.000 tỷ đồng, được chỉ định giao đất có 600 tỷ đồng, thì ngân sách đã thất thoát 1.400 tỷ đồng. Và quan trọng hơn, khu đất vàng bị lọt vào tay tư nhân một cách đầy toan tính và mưu mô. Thu hồi khu đất vàng cũng là một cách sửa sai của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là cách hành xử của ông Nguyễn Thành Tài, một nhân vật vốn được tiếng là năng động và gần gũi với quần chúng. Ông Nguyễn Thành Tài từng giữ chức Chủ tịch UBND quận 4 trước khi làm Chánh Văn phòng UBND TP.HCM rồi làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM suốt 10 năm. Chỉ một Công ty TNHH Hoa Tháng Năm vô danh trong thương trường với nữ giám đốc Lê Thị Thanh Thuý, mà một quan chức kỳ cựu như ông Nguyễn Thành Tài phải đối diện với lao lý thì thật đáng ngậm ngùi./.